Bất ngờ khai quật được vành đai phòng thủ với 10.000 hố đất
Dải đất lớn với hàng loạt rãnh và hố dùng để ngăn quân địch xâm phạm được xây dựng cách đây hơn 1.600 năm.
Các nhà khảo cổ nghiên cứu một dải đất lớn, nhiều khả năng từng dùng để ngăn cản kẻ địch tấn công, trên đảo Lolland, Đan Mạch, Copenhagen Post hôm 5/5 đưa tin. Đến nay họ đã khai quật được một đoạn dài 770m. Tuy nhiên, bảo tàng Lolland-Falster ước tính, tổng chiều dài của vành đai phòng thủ này có thể lên đến 1.500m.
Vành đai phòng thủ trên đảo Lolland, Đan Mạch. (Ảnh: Copenhagen Post).
"Đây thực sự là một cấu trúc lớn và đòi hỏi nhiều công sức xây dựng. Chúng tôi tin rằng nó được xây cách bờ biển khoảng một km, giữa hai vùng đất ngập nước không thể vượt qua, với mục đích ngăn chặn kẻ địch xâm phạm Lolland", Bjornar Mage, nhà khảo cổ tại Bảo tàng Lolland-Falster, cho biết.
Theo ước tính, người xưa đã đào ít nhất 10.000 rãnh và hố để tạo nên vành đai phòng thủ này. Trước đó, các chuyên gia từng tìm thấy một số cấu trúc tương tự ở Jutland (Đan Mạch) nhưng kết hợp thêm cọc nhọn.
Vành đai phòng thủ trên đảo Lolland gần như đã bị phá hủy hoàn toàn nên bảo tàng Lolland-Falster không thể tìm ra niên đại chính xác. Họ cho rằng nó được xây dựng trong thời kỳ Đồ Sắt La Mã, khoảng thế kỷ 1 đến thế kỷ 4. "Chúng tôi không thấy dấu vết tu sửa vành đai sau khi xây. Người ta để mặc nó hỏng dần", Mage cho biết.
Tại Hoby, gần vị trí của vành đai, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ngôi mộ của một người giàu từ thời Đồ Sắt La Mã. Tuy nhiên, do chưa xác định được niên đại của vành đai phòng thủ, họ cũng chưa thể tìm ra mối liên hệ giữa công trình này với ngôi mộ.
- Thi hài tân nương 5 tuổi trong mộ cổ hé lộ giai đoạn lịch sử đầy thương tâm của Trung Quốc cổ đại
- Sở thích ăn uống lạ lùng của Charles Darwin
- Nghiên cứu mới đặt ra nghi ngờ về sự hình thành Mặt trăng