Bề mặt cực tím tuyệt đẹp của sao Hỏa từ ảnh vệ tinh
Những hình ảnh chưa từng thấy về ánh sáng cực tím trên bầu khí quyển sao Hỏa vừa được gửi về từ tàu vũ trụ MAVEN của NASA.
Theo thông cáo của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), tàu vũ trụ MAVEN đã chụp lại hàng trăm bức ảnh về hành tinh đỏ trong những tháng gần đây, mang đến những hình ảnh vô cùng sắc nét về bề mặt phủ tia cực tím của sao Hỏa.
Sao Hỏa tỏa sáng về đêm, một hiện tượng phổ biến ở hành tinh phát ra khí nitơ monoxit làm cho bầu trời tỏa sáng ngay cả khi không có ánh sáng bên ngoài chiếu vào. Ánh sáng ban đêm của sao Hỏa là tia cực tím nằm ngoài quang phổ nhìn thấy được bằng mắt thường. Bởi vậy, NASA đã dùng các màu sắc khác nhau để thể hiện chúng. Ở đây, màu trắng nghĩa là khí thải nitơ monoxit cao, màu đen nghĩa là thấp và màu xanh là mức trung bình.
Hình ảnh chụp vào ban ngày của mùa xuân trên sao Hỏa cho thấy nồng độ ozone cao trong khí quyển ở nam bán cầu, được thể hiện bằng màu tím. Ozone tích tụ trên cực nam trong mùa đông trên sao Hỏa và biến mất khi hơi nước lan tỏa xuống các cực của hành tinh này. Thực tế, khí ozone vẫn hiện diện vào mùa xuân cho thấy gió thổi trên bề mặt sao Hỏa đã ngăn cản sự lan tỏa của hơi nước.
Bề mặt sao Hỏa trong 7 giờ quay vào ngày 9 và 10/7 với những đám mây được hình thành nhanh chóng trong buổi chiều bao phủ các ngọn núi lửa. Điểm tối gần đỉnh của hành tinh đỏ là Olympus Mons, ngọn núi lửa cao nhất trên sao Hỏa.
Tàu thăm dò không gian MAVEN được phóng lên sao Hỏa vào tháng 11/2013 về đến hành tinh đỏ vào tháng 9/2014. Nhiệm vụ chính của MAVEN là nghiên cứu thượng tầng khí quyển của sao Hỏa, mang đến những thông tin về khí quyển, khí hậu, nước và có thể cả sự sống trên hành tinh này.
Ngày 3/10, MAVEN đã hoàn thành việc quan sát khoa học trong một năm trên sao Hỏa, tương đương với gần 2 năm trên Trái Đất. Thời gian để sao Hỏa hoàn thành một quỹ đạo quanh Mặt Trời, tức là một năm thiên văn của nó, là khoảng 687 ngày trên địa cầu.