Bên trong căn phòng treo cổ tử tù ở Nhật Bản

Căn phòng thi hành án tử hình được coi là một trong những nơi tuyệt mật nhất, chuyên sử dụng để hành quyết các tử tù một cách nhanh chóng nhất.

Theo Mirror, việc thi hành án tử hình ở Nhật Bản lâu nay luôn bí mật và chịu ảnh hưởng bởi các nghi thức. Nhật Bản ngày nay vẫn duy trì án tử hình dù nhiều quốc gia trên thế giới đã xóa bỏ bản án này. Người mới nhất tử vong trong căn phòng thi hành án là thủ lĩnh giáo pháo “tận thế” Shoko Asahara.


Bên trong căn phòng thi hành án tử hình ở Nhật Bản.

Đối với tử tù như Masakatsu Nishikawa, cái chết chỉ là để mở lối sang một thế giới khác. Nền nhà sạch bong, ánh đèn dễ chịu, tiếng kinh Phật trầm bổng, êm ái và nghệ thuật trang nhã trong phòng. Nishikawa, 61 tuổi, bị kết án tử hình tội sát hại 4 phụ nữ trong một vụ giết người kinh hoàng xảy ra cách đây hơn 25 năm.

Trong căn phòng có một bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và đó là khuôn mặt duy nhất tử tù này nhìn thấy trước khi thi hành án. Tử tù sau đó sẽ bước vào ô vuông màu đỏ ở giữa phòng.


Đây là nơi tử tù sám hối với mục sư trước khi được đưa vào phòng thi hành án.

Tổ thi hành án sẽ quấn dây quanh cổ tử tù. Một khi thời khắc đến, cửa sập mở ra khiến tử tù rơi xuống căn phòng bên dưới và tử vong ngay lập tức.

Thống kê trong giai đoạn từ năm 2012-2016 cho thấy có 24 người bị tử hình ở Nhật Bản. Cho đến ngày 31.12.2017, có 123 tử tù đang chờ thi hành án. Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2007


Đây là nơi quan sát quá trình thi hành án.

Tử tù mới nhất bị tử hình trong căn phòng trên là Shoko Asahara, thủ lĩnh giáo phái “tận thế”, đứng sau vụ tấn công bằng khí độc sarin ở ga tàu điện ngầm Tokyo năm 1995.

Vụ tấn công khiến 13 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương. Asahara bị treo cổ cùng với 5 đồng phạm trong ngày 6.7.


Có 3 nút bấm và đội thi hành án sẽ ấn nút đồng thời để kết liễu tử tù đứng ở ô màu đỏ.

Buổi thi hành án diễn ra tốt đẹp và gần như không bị dư luận lên tiếng phản đối, một phần vì Nhật Bản luôn giữ bí mật quy trình thi hành án tử hình.

Theo Mirror, đa phần tử tù Nhật Bản phải chờ đợi ít nhất 5 năm mới đến lượt thi hành án. Có những người như Nishikawa hay Asahara thì phải chờ đợi hàng thập kỷ, không biết ngày cuối cùng của mình sẽ đến lúc nào.

Năm 2010, chính quyền Nhật Bản đã có động thái chưa từng có tiền lệ. Đó là cho phép các phóng viên đến ghi hình tại nơi giam giữ tử tù cũng như căn phòng thi hành án.


Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát là khuôn mặt cuối cùng mà tử tù nhìn thấy trước khi bị bịt mắt.

Trong quá trình thi hành án, 3 người sẽ đồng thời nhấn 3 nút đỏ riêng biệt. Vậy nên không ai biết liệu mình có phải là người ra tay kết liễu tử tù hay không. Những thành viên trong tổ thi hành án cũng được giữ kín danh tính và thay đổi luân phiên.

Với hình thức tử hình này, tử tù sẽ chết vì gãy cổ trước khi có thể chết ngạt. Một bác sĩ có mặt ngay bên dưới để tuyên bố tử tù đã chết và trả thi thể về cho gia đình.

Masahiko Fujita, người từng là “đao phủ” trong giai đoạn những năm 1970 tiết lộ, nút thắt dây treo cổ được đặt cẩn thận để tử tù sẽ gục đầu xuống trước mặt những người chứng kiến. Tay, chân của tử tù cũng được buộc chặt đề phòng trường hợp bất thường.

Các tử tù thi hành án ở Nhật cũng được cho ăn bữa cuối cùng, nhưng không có cơ hội nói lời chào tạm biệt với gia đình và người thân ở thế giới bên ngoài.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất