Bí ẩn chưa có lời giải về những con cá mập trắng bị moi gan, móc tim trong năm 2017
Giữa năm 2017, người ta tìm thấy 4 xác cá mập trắng khổng lồ trong tình trạng thảm thương đến mức kỳ lạ: chỉ bị moi gan, móc tim. Bí ẩn đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, dù "nghi phạm" đã được xác định.
Thế giới đã bước sang năm 2018, nhưng vẫn còn đó nhưng bí ẩn chưa có lời giải bắt nguồn từ năm 2017. Và một trong số đó chính là sự kiện những con cá mập trắng khổng lồ trôi dạt trên bờ biển Nam Phi, trong tình trạng mất sạch lá gan.
Cá mập trắng khổng lồ trôi dạt trên bờ biển Nam Phi, trong tình trạng mất sạch lá gan.
Cụ thể hơn, vào giữa năm 2017, các nhà hải dương học tại Nam Phi đã phải chứng kiến một hiện tượng hết sức kỳ lạ. Họ đã 4 lần tìm thấy xác cá mập trắng khổng lồ dạt bờ Franskraal với tình trạng mất gan, trong đó có 2 trường hợp mất cả tim.
Nói đến cá mập trắng (Great White shark), ai cũng ngầm hiểu rằng chúng là những hung thần của đại dương. Kích thước lớn nhất trong họ cá mập, cơ hàm vĩ đại cùng hàm răng sắc nhọn, cá mập trắng là một trong những sinh vật đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn, và gần như chỉ có kẻ thù duy nhất là con người.
Những con cá mập xấu số được tìm thấy cũng không hề bé nhỏ. Con gần nhất được tìm thấy vào cuối tháng 6/2017 là một con đực dài 4,1m (cá thể lớn nhất từng dạt bờ cũng chỉ dài 4,9m). Đây cũng là trường hợp bi thảm nhất, khi mất cả gan, dạ dày, tinh hoàn - và các dấu hiệu cho thấy nó đã mất rất nhiều máu trước khi lìa đời.
Chú cá mập bị lột sạch nội tạng.
Nhưng thứ gì có đủ khả năng tạo ra bi kịch lớn đến vậy? Mọi nghi ngờ được đổ dồn về cặp cá voi sát thủ (orca) đã lượn lờ ở khu vực biển Frankraal - nơi tìm thấy xác của những con cá mập xấu số kể trên.
Cá voi sát thủ - những hung thần ít tiếng tăm của đại dương
Ngoài con người, cá voi sát thủ - orca, hay killer whale là những sinh vật hội đủ điều kiện để xử lý gọn một con cá mập trắng.
Đầu tiên là về mặt kích cỡ, cá voi sát thủ nhỉnh hơn so với cá mập trắng cả về cân nặng lẫn chiều dài cơ thể. Chúng cũng sở hữu bộ hàm cực khỏe cùng hơn 50 cái răng sắc nhọn, lại cực kỳ thông minh. Và quan trọng nhất, chúng thường săn mồi theo bầy đàn từ 3 - 5 con. Tất cả đã biến cá voi sát thủ thành thiên địch của cá mập trắng.
Cá voi sát thủ sẵn sàng tấn công cả cá voi xanh to lớn.
"Cặp cá voi sát thủ đã lượn lờ ở khu vực xảy ra "án mạng"" - một số báo cáo cho biết. "Các con tàu theo dõi đột nhiên không tìm thấy dấu hiệu của cá mập trắng nữa. Nhiều khả năng chúng đã tháo chạy vì sự truy đuổi của cá voi sát thủ".
Bí ẩn chưa có lời giải
Hành vi chỉ săn từng bộ phận của cá voi sát thủ không phải điều quá hiếm gặp. Khoa học đã từng ghi nhận một số trường hợp loài vật này khi săn cá voi, chúng chỉ ăn lưỡi, vì đó là thứ cung cấp nhiều năng lượng nhất.
Nhưng tại sao cá voi sát thủ lại nhắm vào cá mập trắng thì lại là thứ các nhà khoa học đang cảm thấy đau đầu. Sự thực thì dù là thiên địch, nhưng việc cá voi sát thủ chọn săn cá mập là một điều tương đối liều lĩnh. Dù sao, đó cũng là những đối thủ không hề dễ xơi, vậy nên thường chỉ nhắm vào đối tượng là cá voi con, hoặc sư tử, hải cẩu biển.
Cá mập dù sao cũng không hề dễ chơi.
Hơn nữa, nội tạng của cá mập trắng - đặc biệt là gan - dù giàu chất béo cũng không đủ để bù đắp lại những tổn thất gây ra trong quá trình tấn công. Để thắng được một con cá mập trắng, cá voi sát thủ sẽ phải đầu tư cực kỳ nhiều năng lượng, và thành quả mang lại dường như không xứng đáng.
Bên cạnh đó, một số loài vật như sư tử biển cũng từng xuất hiện hành vi tấn công cá mập săn nội tạng. Nhưng đó chỉ là cá mập nhỏ, không to khủng khiếp như những chú cá xấu số kể trên.
Và cuối cùng là cú tấn công trên xác cá mập được đánh giá là rất chính xác, cứ như kẻ địch nắm rất rõ vị trí nội tạng của cá mập vậy.
Vụ việc vẫn còn chìm trong bí ẩn.
Thế nên, vụ việc vẫn còn chìm trong bí ẩn. Nghi phạm lớn nhất vẫn là đôi cá voi sát thủ nọ, nhưng mọi chuyện sẽ chỉ được kết luận chính thức khi có nhiều dữ kiện hơn, như video hoặc hình ảnh nào đó chẳng hạn.