Bí ẩn quả trứng gà 2.000 năm tuổi chôn trong ngôi mộ cổ

Ngày 24/8, một quả trứng gà hơn 2.000 năm tuổi đã được phát hiện trong một ngôi mộ cổ bên bờ sông Xích Thủy, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.

Phát hiện trứng gà chôn trong ngôi mộ cổ 2000 năm tuổi

Đây là lần đầu tiên một quả trứng như vậy được phát hiện trong một ngôi mộ cổ ở Quý Châu. Đội khảo cổ đang "đau đầu" vì chưa tìm ra cách đưa quả trứng lên khi nó đã quá mềm.

Khu di chỉ Hoàng Kim Loan nằm bên bờ sông Xích Thủy, thị trấn Thủ Thành là khu di chỉ lớn nhất được khai thuật ở Quý Châu đến thời điểm này.

Đội khảo cổ đã phát hiện rất nhiều đồ gốm và một phần xương động vật trong một ngôi mộ 2.000 năm thời nhà Hán.


Quả trứng gà có tuổi thọ 2.000 năm. (Nguồn: QQ)

Điều đặc biệt, một quả bóng có màu hơi vàng được tìm thấy bên đống đồ gốm.

"Khi dùng chổi lông quét qua nhẹ nhàng, bề mặt quả bóng rạn nứt", Trương Cải Khóa, người phụ trách đội khảo cổ cho biết. "Chúng tôi đã xem xét cẩn thận và so sánh kỹ lưỡng cuối cùng xác định đó là một quả trứng gà".

Do bị chôn trong lòng đất quá lâu nên không thể phân biệt được lòng đỏ và lòng trắng trứng. Tuy nhiên, theo quan sát thì vỏ trứng được bảo tồn khá nguyên vẹn.

Phát hiện trứng gà trong mộ cổ không chỉ là chuyện xảy ra đầu tiên trong lịch sử khảo cổ ở Quý Châu mà đây còn là chuyện rất hiếm gặp ở Trung Quốc. Trước đây, trứng gà cũng từng được phát hiện trong các ngôi mộ ở Hà Nam, Sơn Tây hay Trùng Khánh. Các ngôi mộ này có điểm chung là đều có từ đời nhà Hán.

Theo những người chứng kiến, quả trứng này nhỏ hơn những quả trứng gà được bán hiện nay. Nhưng tại sao lại chôn kèm trứng gà trong những ngôi mộ cổ? Trương Cải Khóa cho rằng người Hán coi chết cũng như sống nên những đồ vật dùng khi còn sống sẽ được đốt thành gốm làm vật chôn cùng. Tương tự, rượu, ngũ cốc hay trứng gà... tất cả những thứ họ thường ăn khi sống cũng trở thành đồ vật chôn cùng.

Hiện nay, các nhân viên trong đội khảo cổ đang tìm cách đưa quả trứng lên bởi có thể chỉ cần chạm vào là nó sẽ vỡ ngay lập tức. "Nếu làm theo cách truyền thống dùng phương pháp bọc thạch cao thì có thể đưa lên nhưng sau đó lại rất khó để tách thạch cao ra khỏi bề mặt quả trứng", Trương Cải Khóa nói. Dù đưa lên thành công nhưng làm thế nào để bảo tồn một quả trứng có tuổi thọ 2.000 năm lại là một câu chuyện khác.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất