Bí ẩn rặng đá siêu bấp bênh ở Mỹ
Các nhà khoa học vừa phát hiện một hiện tượng địa chất vô cùng bí ẩn: những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau theo những tư thế hết sức chông chênh - đứng sừng sững sát ngay khe đứt gãy San Andreas.
Chúng nằm ở phía tây dãy núi San Bernardino, gần đường cao tốc nối liền hai thành phố Los Angeles và Las Vegas (Mỹ), một khu vực được cho là có hình thái địa chất đầy biến động.
Chia sẻ trên LiveScience, Phó Giáo sư Đại học California Lisa Grant Ludwig khẳng định, không phải khả năng giữ thăng bằng của các tảng đá lớn khiến bà kinh ngạc. Bí ẩn lớn nhất nằm ở chỗ, bằng cách nào mà chúng có thể giữ mãi tư thế thăng bằng đó suốt hàng ngàn năm, khi mà hàng xóm của chúng là một khe đứt gãy từng kích hoạt nhiều trận động đất rất mạnh.
Khu PBR này có niên đại lên tới 18.000 năm, dù
cho nó nằm sát ngay rảnh đứt gãy San Andreas.
Trên thực tế, những tảng đá với thế đứng như thể làm xiếc kiểu này có thể bắt gặp tại nhiều nơi khác trên thế giới. Thậm chí đã có riêng một thuật ngữ khoa học dành cho chúng: PBR, tức những tảng đá siêu cân bằng.
“Thế nhưng đại đa số chúng đều hiện diện ở các khu vực ổn định, ít xáo trộn về mặt địa chất. Chúng tôi không hề nghĩ là lại bắt gặp PBR ở ngay cạnh rãnh đứt gãy đang hoạt động như thế này”, bà Ludwig bình luận.
Thậm chí, PBR còn là một trong những tiêu chí để giới khoa học xác thực bản đồ động đất. “Có một suy luận mặc định rằng, ở đâu mà ta bắt gặp PBR, ở đó sẽ là khu vực chưa xảy ra các trận động đất mạnh trong một thời gian dài”.
Chính vì những yếu tố đó mà dãy PBR tại San Bernardino trở nên vô cùng kỳ lạ. Có tới hơn một chục tảng đá BPR nằm rải rác trong khu vực. Các phân tích niên đại cho thấy, chúng đã “bám trụ” ở tư thế này trong cả thiên niên kỷ. Một số tảng thậm chí còn có niên đại lên tới 18.000 năm.