Bí ẩn về những con tàu bị đắm tại Việt Nam: Dưới đáy đại dương!

Khai quật từ năm con tàu đắm cổ, đã đem lại cho bảo tàng những tài liệu, hiện vật vô giá, mở ra một hướng đi mới cho khảo cổ học nước nhà.

Khoảng hơn 800.000 cổ vật – một con số không nhỏ bổ sung vào kho tàng cổ vật Việt Nam. Những hiện vật khai quật từ những con tàu đắm ở đáy đại dương chủ yếu là gốm sứ. Ngoài ra còn một lượng rất ít ỏi là đồ dùng của thủy thủ đoàn bao gồm đồ kim loại như đèn và chao đèn bằng đồng, tiền đồng, hộp đồng, chậu đồng, một số đồ gang; trâm cài tóc có thể là xương và một số đồ gỗ, vải…

Những đồ sứ trong sưu tập hiện vật tàu đắm với nhiều thể loại, nhưng nhiều nhất là đĩa. Sưu tập đĩa sứ hoa lam chiếm tỷ lệ lớn trong các con tàu cổ, nhất là tàu cổ Cà Mau, tàu cổ Cù Lao Chàm.


Cận cảnh xác tàu bị đắm. (Ảnh minh họa).

Đĩa có nhiều kích cỡ, kiểu dáng, hình thù như miệng tròn, miệng loe, thành vát, hình bát giác, hình thoi, hình lục giác, miệng bè, viền hình cánh hoa… Có nhiều đĩa đường kính từ 35cm đến 39cm. Hoa văn trang trí cũng rất phong phú, đa dạng. Đề tài hoa lá có hình sen dây, cành lá thu, hoa mẫu đơn, lan cúc, ánh trăng và hoa lá, ao sen.

Đề tài động vật là những con chim hạc, cá chép, lợn đang chạy, nghê, chim báo hỷ đậu cành mai, khổng tước và mẫu đơn… Trang trí hình người phụ nữ, hồng tiên nữ, cảnh người trèo tường và thiếu nữ áo dài đứng đợi cho đến những cảnh đồng tử chăn trâu, bắt cá hay chim phượng chầu mặt trời vô cùng sinh động.

Bên cạnh những đĩa sứ hoa lam là đĩa men ngọc. Đây là loại men hiếm, vì vậy số lượng không nhiều. Đĩa có miệng bé, viền hình hoa, hình răng hay hoa văn sóng biển. Ngoài ra, còn loại đĩa men trắng vẽ nhiều màu trên men, trang trí chim hạc, đào trường thọ; đĩa men trắng vẽ lam và nhiều màu được trang trí vàng kim và đôi chim đậu cành đào. Đĩa men xanh hình phượng màu đỏ; đĩa hoa lam tam thái dưới men có trang trí sơn thủy và người. Đặc biệt, có một đĩa được xếp bởi chín đĩa sứ hoa lam vẽ tiên rất độc đáo.


Những báu vật cổ... (Ảnh: M.Hà).

Sau loại hình đĩa, phải kể đến chén. Chén trong sưu tập cũng phong phú, đa dạng về loại hình và hình thức trang trí, số lượng rất lớn. Bát gốm sứ trục vớt từ các con tàu đắm tương đối nhiều. Cũng tương tự như đĩa, bát gốm sứ có nhiều hình dáng, kích cỡ và bao gồm bát hoa lam, ngoài lam xám trong men trắng, hoa lam kết hợp vẽ màu, bát men ngọc.Ngoài ra, còn có tách, ấm sứ hoa lam, hoa lam vẽ nhiều màu trên men, hoa lam kết hợp men đỏ lục, men lam xám, men trắng…

Trong kho báu trục vớt từ “Con đường tơ lụa trên biển”, còn tìm được nhiều lọ gốm hoa lam vẽ dây nho trong ô hình hoa hải đường, lọ hình đèn lồng vẽ sơn thủy, vẽ cảnh em bé chơi hoa sen hay hình phụ nữ trong ô cánh sen...

Sưu tập hiện vật từ các con tàu đắm trên biển Việt Nam có hàng trăm ngàn hiện vật. Những mô tả sơ bộ trên, phần nào giúp hình dung sự phong phú, đa dạng về loại hình và chủng loại. Hoa văn trang trí trên các hiện vật muôn màu, muôn vẻ và sống động, tinh tế. Đề tài trang trí bao gồm con người theo lối tả thực, nhiều đề tài theo tích chuyện cổ. Nhiều hơn cả là đề tài phong cảnh sơn thủy tùng đình và đề tài hoa lá.


Có giá trị cả về văn hóa, lịch sử và kinh tế. (Ảnh: M.Hà).

Ngoài ra còn có đề tài động vật, chữ phúc vạn thọ, chậu hoa đặt trên kỷ… bằng nét bút đơn giản nhưng được thể hiện nhiều kiểu khác nhau tạo nên sự phong phú của đề tài. Có thể nói, đây là những cổ vật quí hiếm, có giá trị cả về văn hóa, lịch sử và kinh tế. Chúng có cách ngày nay ít nhất cũng vài ba trăm năm, có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Có thể nói, đây là điều vô cùng may mắn cho ngành bảo tồn. Bởi thực tế hiện nay, lượng cổ vật trong các kho của bảo tàng không nhiều; công việc sưu tầm cổ vật cũng rất khó khăn. Cổ vật hiếm, giá rất đắt và nếu không cẩn thận còn bị hàng giả, hàng nhái.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất