Bị bắt nạt thời thơ ấu liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài
Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu từ UCLA Health và Đại học Glasgow đã phát hiện ra mối liên hệ đáng kể giữa việc bắt nạt thời thơ ấu, gia tăng của việc mất lòng tin vào người khác và những thách thức lâu dài về sức khỏe tâm thần.
Được xuất bản trên tạp chí Nature Mental Health, nghiên cứu này làm sáng tỏ tác động sâu sắc của bắt nạt đối với sức khỏe tâm lý của thanh thiếu niên khi họ bước vào tuổi trưởng thành.
Sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Tập thể thiên niên kỷ (Millennium Cohort Study) - một nghiên cứu theo dõi 10.000 trẻ em ở Vương quốc Anh trong gần hai thập kỷ - các nhà khoa học đã tìm thấy mối tương quan đáng lo ngại.
Cụ thể, những thanh thiếu niên trẻ tuổi, bị bắt nạt ở tuổi 11 và do đó phát triển cảm giác mất lòng tin cao độ ở tuổi 14, có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở tuổi 17 cao hơn khoảng 3,5 lần. Sự so sánh này được thực hiện với những bạn cùng trang lứa bình thường.
Trẻ bị bắt nạt ở tuổi 11 và do đó phát triển cảm giác mất lòng tin cao độ ở tuổi 14. (Ảnh minh họa).
Nghiên cứu này đặc biệt kịp thời, trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe tâm thần của giới trẻ.
Những phát hiện gần đây từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết cuộc khủng hoảng này, với một phần đáng kể học sinh trung học cho biết họ có cảm giác trầm cảm dai dẳng và một số trường hợp có ý định tự tử.
Cách tiếp cận của nghiên cứu, bắt nguồn từ Lý thuyết An toàn Xã hội, cho thấy rằng bắt nạt làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần một phần bằng cách nuôi dưỡng niềm tin rằng người khác không đáng tin cậy.
Đây là một sự thay đổi đáng kể trong việc tìm hiểu những con đường mà bắt nạt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của một cá nhân, vượt ra ngoài những tác động tâm lý và cảm xúc tức thời để xem xét những tác động lâu dài hơn.
Tiến sĩ George Slavich - tác giả chính của nghiên cứu và là Giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu và đánh giá căng thẳng của UCLA Health - nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu này trong việc phát triển các biện pháp can thiệp.
Ông gợi ý rằng các trường học và các tổ chức khác phải tập trung vào việc tạo ra môi trường thúc đẩy niềm tin giữa các cá nhân, đặc biệt là trong những giai đoạn chuyển tiếp quan trọng như chuyển sang trung học hoặc đại học.
Điều này có thể liên quan đến việc thực hiện các chương trình dựa trên bằng chứng nhằm thúc đẩy mối quan hệ tích cực, tin cậy giữa các sinh viên.
Khía cạnh độc đáo của nghiên cứu này nằm ở phân tích theo chiều dọc, truy tìm tác động của bắt nạt trong nhiều năm để thiết lập mối liên hệ rõ ràng với kết quả sức khỏe tâm thần ở tuổi vị thành niên.
Phương pháp này cung cấp bằng chứng thuyết phục về sự cần thiết của các biện pháp can thiệp có mục tiêu nhằm giảm thiểu những tác hại của việc bắt nạt và ngăn chặn sự khởi phát của các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Trước những phát hiện này, cần có lời kêu gọi hành động để các trường học và cộng đồng đầu tư vào các chương trình không chỉ giải quyết trực tiếp tình trạng bắt nạt mà còn có tác dụng xây dựng lại niềm tin của học sinh.
Cụ thể là cần tập trung vào việc tạo ra một môi trường học tập hỗ trợ và tin cậy, có khả năng cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần và khả năng phục hồi của những người trẻ tuổi, giúp họ hướng tới một cuộc sống lành mạnh hơn, trọn vẹn hơn.
Nghiên cứu này không chỉ nêu bật tác động nghiêm trọng của việc bắt nạt đối với sức khỏe tâm thần mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc can thiệp và hỗ trợ sớm cho những người bị ảnh hưởng.
Như tiến sĩ George Slavich đã chỉ ra, việc giải quyết những vấn đề này trong thời niên thiếu có thể ngăn ngừa hàng loạt vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần trong suốt cuộc đời của một người, khiến nghiên cứu này trở thành một bước tiến quan trọng trong hiểu biết của chúng ta về tác động lâu dài của việc bắt nạt.
- Bạn hoàn toàn có thể bị "bắt nạt" ở nơi làm việc, và đây là lý do
- 8 thói xấu "ác quỷ" của con người theo phân tích tâm lý
- Bệnh trầm cảm có nguồn gốc từ quá khứ bị bắt nạt ở thời thiếu niên