Bị cắn xé chỉ vì đẻ chui
Các thành viên trong tổ kiến chúa luôn sẵn sàng tấn công những con kiến thợ cái cố tình thực hiện chức năng sinh sản.
Trong những tổ có kiến chúa, đa số kiến thợ phải từ bỏ hành vi sinh sản để chăm sóc con của kiến chúa, đồng thời của là em của chúng. Trước đây nhiều nhà côn trùng học cho rằng khi sinh sản, cơ thể kiến thợ tiết ra một số hóa chất, nhờ đó mà đồng loại của chúng phát hiện ra hành vi "đẻ chui".
Để kiểm tra giả thiết này, một nhóm chuyên gia người Đức và Mỹ tiến hành thử nghiệm với loài kiến Aphaenogaster cockerelli. Họ tổng hợp một loại hợp chất hydro carbon chỉ có ở kiến chúa và bôi nó lên cơ thể một số kiến thợ.
Trong những tổ có kiến chúa, nhóm nghiên cứu nhìn thấy đàn kiến tấn công những kiến thợ có hóa chất. Một số con giữ và kéo “kẻ gian dối”, trong khi những con khác dùng răng để cắn. Nhưng trong những tổ không có kiến chúa, tình hình lại hoàn toàn khác vì kiến thợ có thể đẻ trứng thoải mái mà không bị trừng phạt.
Tiến sĩ Jurgen Liebig, một chuyên gia thuộc Đại học Arizona (Mỹ), cho rằng các hợp chất hydro carbon tiết ra từ cơ thể lũ kiến thợ đẻ chui “là một tín hiệu đáng tin cậy” đối với các thành viên trong tổ kiến.
“Trong tổ có kiến chúa, hành vi tấn công kiến thợ đẻ chui có vai trò quan trọng đối với việc duy trì sự cân bằng số lượng cá thể trong tổ. Ngăn chặn và trừng phạt những cá thể gian dối là hành vi được áp dụng ở phần lớn loài sinh vật sống có số lượng cực lớn” Jurgen cho biết.
Nếu muốn đẻ trứng mà không bị trừng phạt, kiến thợ phải thỏa mãn hai điều kiện. Thứ nhất, chúng phải khống chế được mùi của những hợp chất hydro carbon mà cơ thể sản xuất khi đẻ trứng. Thứ hai, chúng phải đưa các hợp chất đó lên trứng của chúng để các thành viên trong tổ không phân biệt được “trứng trái phép” với trứng của kiến chúa.
Một số loài kiến không chỉ tấn công kẻ gian dối mà còn phá hủy trứng của chúng.