Bi kịch cuộc đời người họa sĩ kì tài "bị quỷ ám"

Họa sĩ Mikhail Vrubel luôn chìm đắm trong cơn ác mộng nên các tác phẩm của ông luôn mang dáng dấp của ác quỷ cùng vẻ mộng mị lạ thường.

Với nhiều người, Mikhail Vrubel là một trong những họa sĩ nổi tiếng của nước Nga. Trong suốt cuộc đời, ông không những sáng tác ra nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị mà còn để lại cho nhân loại bí ẩn chưa lời giải đáp về hình tượng ác quỷ trong các bức tranh đầy ám ảnh.

Tài năng đặc biệt và những bất hạnh đầu đời

Vrubel sinh ra ở Nga trong một gia đình có truyền thống làm nghề luật sư. Cha ông là người gốc Ba Lan trong khi mẹ ông là người Đan Mạch, nhưng thật không may khi Vrubel mồ côi mẹ khi ông mới 3 tuổi.

Mặc dù ông tốt nghiệp khoa Luật tại ĐH Saint Petersburg vào năm 1880 nhưng với niềm đam mê hội họa, ông đã bước vào Học viện Nghệ thuật Hoàng gia - nơi ông được học tập dưới sự chỉ dạy của họa sĩ trứ danh thời bấy giờ - Pavel Chistyakov. Ngay lập tức, Vrubel thể hiện tài năng nghệ thuật tuyệt bằng các bản vẽ mang một phong cách rất riêng và cá tính.


Bức chân dung tự họa của Mikhail Vrubel, 1882

Sau đó, Vrubel được giới thiệu tới làm cộng sự cho giáo sư Adrian Prakhov tại Kiev. Tại đây, ông học được rất nhiều kiến thức hội họa thú vị nhưng cũng đen đủi dính vào mối tình với vợ của giáo sư Prakhov - bà Emilia Lvovna xinh đẹp.

Không những có vẻ ngoài khả ái, Emilia còn là một người uyên bác kiến thức hội họa và xã hội, chính vì vậy Vrubel rất quý mến Emilia. Đáng tiếc rằng, bà đã là vợ của Prakhov, điều này khiến Vrubel rất khổ tâm, dù cho luôn giữ khoảng cách nhưng ông vẫn âm thầm quan sát Emilia và vẽ tặng bà nhiều bức tranh đẹp.

Cuối cùng, giáo sư Prakhov cũng nhận ra vợ mình đang được chàng họa sĩ trẻ tuổi ái mộ. Giáo sư rất khó chịu và yêu cầu học trò của mình sang Ý để nghiên cứu về tác phẩm của các bậc thầy cổ điển.


Bức “Đức mẹ Đồng trinh và Chúa hài đồng” 1884 với nguyên mẫu chính là mẹ con nàng Emilia

Biết rõ không thể tiếp tục mối tình đơn phương này được, Vrubel ra đi để tìm kiếm những cảm hứng sáng tác mới. Trong khoảng thời gian này, ông liên tục cho ra đời những bức vẽ về Đức mẹ Đồng Trinh, nhưng kì lạ thay, khuôn mặt trong tranh giống hệt Emilia - người mà Vrubel thầm thương nhớ.

Một thời gian sau, Vrubel quay lại Kiev một lần nữa để tham gia trang trí các công trình của Đại giáo đường Vladimir. Vô tình ông lại gặp giáo sư Prakhov - chủ thi công Đại giáo đường.

Prakhov không che giấu mối ác cảm đối với học trò cũ và mối quan hệ giữa hai người khá căng thẳng. Các công trình được phân bổ cho mọi người nhưng trong danh sách đó không có tên Vrubel. Quá chán nản, Vrubel rời khỏi thành phố và từ đây, những điều đen tối nhất bắt đầu xảy đến với ông.

Giấc mộng bí ẩn và cuộc hôn nhân may mắn

Những thất bại trong sự nghiệp cùng mối tình đơn phương khiến tinh thần của Vrubel đi xuống trầm trọng. Không biết từ khi nào, vị họa sĩ đáng kính liên tục bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng khủng khiếp. Trong giấc mơ, ông luôn nhìn thấy những hồn ma nơi địa ngục. Chúng thường ghé đến trong những giấc ngủ chập chờn, khiến ông giật mình, chợt tỉnh giấc lúc nửa đêm.

Vrubel đã thể hiện những điều chứng kiến trong giấc mơ lên tranh và các tác phẩm này không chỉ gây ấn tượng bởi đề tài, chất liệu lạ mà còn cả ở bố cục hài hòa, màu sắc độc đáo, đầy mộng mị.

Thú vị hơn, nhân vật chính trong các bức tranh Vrubel vẽ đa phần là hình ảnh đáng sợ của quỷ Satan. Hình ảnh này trái ngược hoàn toàn với các bức tranh về tôn giáo hiền hòa trước đây.


Chuyến bay của Faust và Mephisto,1896

Lâu dần, Mikhail Vrubel luôn đắm chìm trong trạng thái cảm xúc tồi tệ. Ông dễ cáu kỉnh và kích động quá mức, nhiều lúc, Vrubel nổi nóng vô cớ với những người xung quanh.

Nhiều tin đồn xuất hiện và cho rằng, Vrubel bị quỷ ám khiến cho họa sĩ ngày càng đau buồn. Mãi đến khi Vrubel gặp và yêu nữ danh ca Nadezhda Zabela vào năm 1895 thì mọi việc mới trở lại bình thường.

Sau lễ thành hôn, Vrubel trở nên vui vẻ trở lại, ông đi theo người yêu trong các chuyến lưu diễn và nhận đảm nhận việc trang trí phông màn, vẽ mẫu trang phục cho các nhân vật mà Nadezhda nhập vai.


Bức tranh công chúa Swan, 1900

Tình yêu say đắm nhanh chóng giúp Vrubel chữa lành căn bệnh ác mộng quái quỷ. Ông tìm ra hướng sáng tạo mới dựa trên tình yêu với vợ mình và cho ra đời những tác phẩm được đánh giá cao như: Công chúa Greda, Nữ hoàng thiên nga…

Con quỷ trở lại...

Thế nhưng vào năm 1898, những giấc mơ ghê rợn lại tìm đến Vrubel. Trong giấc ngủ, Vrubel nhìn thấy những hình ảnh kỳ quái năm nào - quỷ Satan, khủng cảnh u ám, địa ngục, hồn ma người chết...

Ông lại trở nên ưu tư, trầm uất suốt nhiều đêm liền. Vrubel hầu như thức trắng đêm, tính khí ông cũng thay đổi đến chóng mặt, từ mềm mỏng, dịu dàng, độ lượng, giờ đây, Vrubel trở nên cứng nhắc, thích sinh sự. Khi có người chê các bức tranh ma quái của mình, Vrubel liền nổi nóng và chửi mắng người đó thậm tệ.


Bức tranh vẽ người vợ của Vrubel - Nedezhda Zabela

Bà Nedezhda Zabela hết sức khiếp hãi trước tính tình của chồng và hoàn toàn tin, Vrubel đã mất trí. Dù sau đó, Zabela đã cố gắng dịu dàng và sinh cho Vrubel một đứa con nhưng khi vừa nhìn thấy mặt đứa trẻ, Vrubel liền sợ hãi và nói rằng, đó là sự trả giá cho những tội lỗi ông đã phạm phải. Ông rơi vào trạng thái trầm uất và kể từ ngày đó, Vrubel không còn quan tâm gì khác ngoài sự ám ảnh của hình bóng quỷ.


Bức tranh "Ác quỷ ngồi trong khu vườn" vẽ năm 1890

Trong giai đoạn khủng hoảng này, Vrubel cho ra đời bức tranh “quỷ ngồi”. Mô tả một con quỷ ngồi với gương mặt vô cùng u sầu cùng vẻ ngoài cô độc, nhạy cảm với mái tóc dài. Đôi mắt của ác quỷ như khao khát một tình yêu trong một thế giới lạnh lùng và xa lánh. Gương mặt quỷ lạ lùng này dần xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Vrubel.

Vào năm 1901, sức khỏe tâm thần của ông trở nên vô cùng tồi tệ, các bác sĩ tâm thần "bó tay" trước việc giải mã những giấc mơ ghê rợn của ông. Họ chỉ biết khuyên người họa sĩ nên nghỉ ngơi và điều trị lâu dài.


Bức tranh "Con quỷ buồn bã" hoàn thành năm 1902

Tuy nhiên, Vrubel bỏ ngoài tai tất cả, ông vẫn tiếp tục làm việc và vào năm 1902 ông đã hoàn thành bức tranh nổi tiếng nhất "Con quỷ buồn bã". Bức tranh vẽ lại một con quỷ đang trầm ngâm suy tư, dù nó có vẻ ngoài đáng sợ nhưng cũng rất đáng thương.

Mikhail Vrubel có lẽ đã hoàn toàn bị ám ảnh bởi những giấc mơ ma quái của mình. Dù cho bức tranh ông vẽ được đánh giá rất cao nhưng ông liên tục thay đổi hình thái, nét mặt con quỷ trong bức tranh, có khi lên tới 40 lần/ngày. Việc làm đó khiến những người xem bức tranh của ông khiếp hãi khi nhận thấy, con quỷ trong tranh đang thay đổi và Vrubel tỏ ra vô cùng thích thú.


Bức tranh "Ác quỷ bay"

Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ khi con trai của ông qua đời vào năm 1903. Cái chết của đứa con trai nhỏ là một cú sốc lớn cho Vrubel. Ông suy sụp hoàn toàn và dành phần lớn thời gian của mình tại các phòng khám tâm thần.

Ông dần dần mất đi thị lực cùng tâm trí lúc nào cũng bất ổn. Nhiều đêm, các cơn ác mộng khiến Vrubel bật dạy la hét, hốt hoảng, ông đi dọc các hành lang trong đêm tối và lẩm bẩm những ngôn từ khó hiểu như đang nói chuyện với một ai đó.


Bức tranh cuối cùng của Vrubel trước khi ông mất

Cuối cùng vào năm 1910, Vrubel ra đi vĩnh viễn. Có người cho rằng, Vrubel quá tài năng tới độ ma quỷ ghen tị, muốn ông phục vụ nên đã tạo ra những giấc mơ đáng sợ kia. Nhưng dù thế nào, Vrubel cũng đã để lại cho nhân loại nhiều bức tranh vô giá.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất