Bí mật "động trời" về cách thiên tài Beethoven soạn nhạc
Các nhà khoa học Mỹ tin rằng, một số tác phẩm âm nhạc kinh điển của Beethoven được ông lấy cảm hứng từ chính nhịp tim của ông.
Theo một nghiên cứu mới đây của phó giáo sư Zachary Goldberg - công tác tại khoa tim mạch thuộc Đại học Washington, các tác phẩm của Beethoven có một số đặc điểm rất giống với một bức điện tâm đồ. Điều này đồng nghĩa với việc, nguồn cảm hứng cho những tác phẩm âm nhạc của Beethoven cũng "nhảy nhót" theo nhịp tim.
Sau khi nghiên cứu về những bản nhạc, Goldberg cùng các nghiên cứu sinh đã phát hiện ra, Beethoven đã có những vấn đề với bệnh rối loạn nhịp tim.
Rối loạn nhịp tim là tên gọi chung của một số tình trạng bất ổn về hoạt động xung điện điện của tim. Khi mắc bệnh này, nhịp tim sẽ luôn đập quá nhanh (hơn 100 nhịp/phút), quá chậm (dưới 60 nhịp/phút) hoặc không đều (lúc nhanh, lúc chậm).
Với sự giúp đỡ của bác sĩ Joel Howell từ bệnh viện Michigan, Zachary Goldberg và những cộng sự đã phân tích các mẫu nhịp điệu trong một số tác phẩm có thể phản ánh rõ về bệnh rối loạn nhịp tim của Beethoven.
Theo đó, trong các tác phẩm này có những chi tiết đặc biệt: bản nhạc có nhiều sự thay đổi bất ngờ trong tốc độ các nốt nhạc, dường như chúng được đưa vào cho phù hợp với những giai điệu bất đối xứng.
Cụ thể, ở đoạn giữa của bản giao hưởng Tứ tấu đàn dây Opus 130, mọi giai điệu đã được đẩy từ giọng Si giáng trưởng lên Đô giáng trưởng một cách bất ngờ. Điều này dường như thể hiện một sự mất cân bằng trong cảm xúc, giống như những hơi thở ngắn và gấp gáp.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn suy đoán rằng, Beethoven còn mắc nhiều căn bệnh khác như bệnh viêm ruột, bệnh gan do nghiện rượu, bệnh thận và đặc biệt ông còn bị khiếm thính.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang cố gắng đi tìm sự thật bởi những suy đoán trên mới chỉ dựa vào những ghi chép từ cách đây hàng thế kỷ mà thôi.