Bí mật giấc ngủ

Ngay cả khi có vẻ ngoài tĩnh lặng nhất, đằng sau giấc ngủ vẫn là những hoạt động rất “nhộn nhịp”.

>>> Sự thật đằng sau những giấc mơ của bạn

Đây là điểm nhấn quan trọng mà chuyên gia hàng đầu thế giới về giấc ngủ, tiến sĩ (TS) Đặng Vũ Thiên Thanh chia sẻ với PV. Anh đã có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này tại Đại học Liège (Bỉ), Trường Y Harvard (Mỹ) và Đại học Montréal (Canada). Nhóm nghiên cứu của TS Thiên Thanh dựa trên các kỹ thuật hiện đại về chẩn đoán hình ảnh (cộng hưởng từ chức năng, điện não đồ…) để có góc nhìn khác biệt về cơ chế và vai trò của giấc ngủ. Nhóm đã chứng minh được hoạt động bộ não của chúng ta vẫn còn khá tích cực khi đã ngủ dù được tổ chức khác biệt với lúc thức. Từ đó, có thể khẳng định việc con người dành trung bình gần 1/3 cuộc đời để ngủ là không uổng phí chút nào.


Một giấc ngủ ngon rất quan trọng đối với quá trình ghi nhận thông tin vào bộ nhớ

Não bộ của chúng ta vẫn có những hoạt động tự ý (chứ không chỉ là những phản ứng khi bị kích thích) nhưng theo một nhịp điệu phù hợp với các chu kỳ của giấc ngủ. Nghĩa là những vùng đóng vai trò chủ chốt sẽ hoạt động và nghỉ ngơi theo từng giai đoạn xen kẽ lẫn nhau, đặc biệt trong giấc ngủ sâu. Nhịp điệu này được ghi nhận lại nhờ điện não đồ. Một trong những sóng đặc trưng của giấc ngủ sâu được gọi là “sóng hình thoi”. Khi sóng này xuất hiện là lúc bộ não hoạt động tích cực nhất để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như ghi nhớ các thông tin thu nhận được khi thức.

Sóng hình thoi có vai trò quan trọng trong việc hạn chế các tác động từ môi trường có thể “làm phiền” bạn trong lúc ngủ, chẳng hạn như tiếng động. Về cơ chế hoạt động, theo TS Thiên Thanh, sóng hình thoi ngăn không để sóng âm đi về vùng liên quan đến thính giác của não bộ. Mà chất lượng và số lượng sóng hình thoi khác nhau ở mỗi người, điều này giải thích vì sao người này dễ bị đánh thức vì tiếng ồn hơn người kia.

Những “tích tắc” quý giá được cách ly với thế giới bên ngoài nhờ sóng hình thoi là điều kiện lý tưởng để trao đổi thông tin từ “vùng hải mã” (hippocampe) đến vỏ não. Khi được “yên tĩnh”, quá trình xử lý thông tin để ghi vào bộ nhớ sẽ hiệu quả hơn. Vì vậy, ngủ ngon giấc đóng vai trò rất quan trọng đối với trí nhớ của chúng ta. Trong một bài viết trên trang tin khoa học Réflexion (Đại học Liège), nhóm nghiên cứu của Giáo sư Pierre Maquet và TS Thiên Thanh đã ghi nhận 2 luận cứ quan trọng. Trước hết, vào những ngày bạn vừa phải thu nhận nhiều kiến thức mới, đến đêm, não bộ luôn có xu hướng sản xuất ra nhiều sóng hình thoi hơn bình thường. Kế đến, những người mà bộ não sinh ra sóng hình thoi rộng và dài hơn thường có khả năng học hỏi, ghi nhớ cao hơn người khác.

Có một điểm khá lý thú là bên cạnh sóng hình thoi, não bộ của chúng ta còn sản sinh ra một loại sóng khác gọi là “phức hợp K” có vai trò ngược lại, giúp xử lý và truyền sóng âm đi nhanh hơn trong lúc ngủ. Dù vấp phải sự cản trở từ sóng hình thoi nhưng khi có cường độ đáng kể, các kích thích âm thanh từ môi trường vẫn có thể được ghi nhận bởi não bộ trong lúc ngủ nhờ sóng này. Làm sao sóng hình thoi và sóng phức hợp K có thể “chung sống hòa bình” với nhau? TS Thiên Thanh giải thích về điểm “tréo ngoe” này: “Đây là điều kỳ diệu của bộ não con người và rất phù hợp với quá trình tiến hóa: giữ yên tĩnh để củng cố hoạt động của trí nhớ nhưng vẫn “đề cao cảnh giác”. Nếu tiếng động quá lớn thì chúng ta cần được đánh thức một cách nhanh chóng để đối phó với các tình huống có thể xảy ra".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất