Bí mật phía sau số hiệu chuyến bay
Những con số và chữ cái bạn thấy trên thẻ lên tàu bay không phải là ngẫu nhiên, và số 13 hiếm khi xuất hiện.
Mỗi hãng hàng không sử dụng một hệ thống cụ thể để ghi các chữ cái và số cho mỗi chuyến bay. Phần chữ cái trong số hiệu chuyến bay khá đơn giản. Chúng đại diện cho hãng vận chuyển. Ví dụ hãng hàng không Mỹ Delta sử dụng DL, American Airlines là AA hay United Airlines là UA. Tương tự, những hãng bay ở Việt Nam như Vietnam Airlines dùng VN, Vietjet đề VJ hay Bamboo ghi QH.
Phần số thường phức tạp hơn. Mỗi hãng có quy định riêng về cách gắn số, nhưng không hãng nào có thể sử dụng nhiều hơn 5 chữ số cho các chuyến bay. Mỗi số chuyến bay phải từ 1 đến 9999, theo Business Insider.
Mental Floss chỉ ra rằng các số hiệu chuyến bay chẵn thường được chỉ định cho các chuyến bay hướng đông và bắc, trong khi các chuyến bay đi hướng tây và nam kết thúc bằng số lẻ. Tuy nhiên, đây chỉ là đa số và vẫn có các ngoại lệ.
Thẻ lên máy bay của khách ngoài số hiệu chuyến bay, còn có số ghế, thời gian bay, cổng lên máy bay... Ảnh: Airliners
Bên cạnh đó, các hãng bay thường chỉ định số hiệu của chuyến khứ hồi cao hơn một số so với chiều bay đi. Ví dụ JetBlue có hành trình bay từ sân bay quốc tế John F. Kennedy, bang New York, Mỹ (JFK) đến sân bay quốc tế Los Angeles, bang California, Mỹ (LAX) là JBU523. Khi nó quay lại JFK, số hiệu chuyến bay là JBU524.
Tại một số quốc gia như Mỹ, số hiệu chuyến bay càng thấp thì đường bay đó càng quan trọng đối với hãng bay. Delta khai thác DL1, đó là tuyến đường giữa JFK của New York tới sân bay Heathrow, London, Anh. Số hiệu chuyến bay cũng rất quan trọng, có thể liên quan đến lịch sử của hãng hàng không. Ví dụ, chuyến bay quốc tế đầu tiên của Delta đến London, vào năm 1978.
Ngoài ra, vài số hiệu chuyến bay mà bạn khó có thể nhìn thấy. Một trong số đó là số 757 - để tránh nhầm lẫn với máy bay Boeing 757 hoặc số 13 - con số được nhiều nước phương Tây tin rằng mang lại xui xẻo.