Bí mật rùng mình về những hành tinh bị “ăn thịt”
Các nhà khoa học Anh đã khám phá ra lý do vì sao một số hành tinh khổng lồ có hành vi lao dần về phía sao mẹ.
Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters đã phát hiện ra cơ chế mới có thể giải quyết bí ẩn lâu đời về quỹ đạo một số hành tinh đang phân rã xung quanh các ngôi sao tương tự như Mặt trời của chúng ta.
Một sao Mộc nóng rơi vào vùng lửa đỏ của sao mẹ - (Ảnh AI: Anh Thư)
Theo SciTech Daily, trước đây nhiều lần các nhà khoa học đã nhận thấy hành vi giống như thiêu thân của một số ngoại hành tinh thuộc dạng "Sao Mộc nóng".
Đó là những gã khổng lồ khí tương tự sao Mộc nhưng quay quá gần sao mẹ nên có nhiệt độ khắc nghiệt. Chúng mất chỉ vài ngày để quay hết một vòng quanh ngôi sao, lúc nào cũng trông như sắp bị nuốt mất.
Khoảng cách gần này khiến cả hành tinh và ngôi sao phải chịu lực hấp dẫn mạnh mẽ, truyền năng lượng vào quỹ đạo.
Nhưng các hành tinh này không bị nuốt ngay, mà lại từ từ xoắn vào trong suốt hàng tỉ năm cho đến khi bị rơi vào vùng lửa đỏ của sao mẹ.
Các lý thuyết thủy triều hiện tại không thể giải thích đầy đủ về việc sự phân rã quỹ đạo kỳ quặc nói trên, ví dụ sao Mộc nóng WASP-12b trong hệ sao WASP-12.
Trong thiên văn, lực thủy triều là một lực biểu kiến kéo giãn một vật thể về gần hoặc ra xa khỏi khối một vật thể khác do sự chênh lệch về trường hấp dẫn.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Durham (Anh) phát hiện ra rằng trường từ mạnh bên trong một số ngôi sao giống Mặt trời có thể làm tiêu tan thủy triều hấp dẫn từ các hành tinh sao Mộc nóng một cách rất hiệu quả.
Thủy triều tạo ra sóng hướng vào bên trong các ngôi sao. Khi những con sóng này gặp từ trường, chúng được chuyển đổi thành các loại sóng từ khác nhau truyền ra ngoài và cuối cùng biến mất.
Như vậy, chỉ với tác động từ ngôi sao thay vì hấp dẫn lẫn nhau, các hành tinh rơi vào quá trình suy yếu quỹ đạo rất chậm.
Chúng di chuyển theo một hình xoắn ốc, từ từ quay lại gần chứ không lao thẳng vào sao mẹ mà cũng không giữ được vị trí ổn định.
TS Craig Duguid, tác giả chính của nghiên cứu cho biết cơ chế mới này có ý nghĩa sâu rộng đối với sự tồn tại của các hành tinh chu kỳ ngắn và đặc biệt là sao Mộc nóng.
Nó mở ra một hướng nghiên cứu thủy triều mới và sẽ giúp hướng dẫn các nhà thiên văn học quan sát tìm ra các mục tiêu đầy hứa hẹn để quan sát sự phân rã quỹ đạo.
- Phát hiện siêu hành tinh gấp 1.320 lần Trái đất nhưng... hỏng nặng
- Mưa thủy tinh trên "hành tinh xanh" đặc biệt
- Hàng loạt hành tinh quái dị có mây… nhôm và mưa titan