Bia đá khắc họa trận huyết chiến giữa con trai Hercules và quái xà

Các nhà khảo cổ học phát hiện bia đá cẩm thạch có hình chiến binh khỏa thân đang đánh nhau với một con quái xà ở ngôi làng gần sông Akcay, Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Live Science, bia đá này có thể có từ thế kỷ thứ hai, khi đế quốc La Mã cai trị vùng này. Sông Akcay lúc đó mang tên Harpasos. Chiến binh trên bia đá là một thanh niên bán khỏa thân đội mũ sắt, tay phải cầm dao găm, tay trái cầm khiên tròn.

"Ở góc phải là con rắn nhiều đầu (Hydra) uốn lượn", trích báo cáo trên tạp chí Epigraphica Anatolica cuối tháng 12/2015 do Hasan Malay, giáo sư đại học Ege (Thổ Nhĩ Kỳ) và Funda Ertugrul - nhà khảo cổ học ở bảo tàng Aydin công bố.


Bia đá phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Live Science).

Trong thần thoại Hy Lạp, thần Hercules chiến đấu với con rắn Hydra trong một đầm lầy ở vùng Lerna thuộc Hy Lạp. Sau khi Hercules giết chết con quái vật, đầm lầy rút nước và người dân có thể trồng trọt ở đó.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng chiến binh trong trận đó không phải là Hercules, mà có thể là Bargasos - con trai ông và một phụ nữ tên Barge. Ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một thị trấn cổ mang tên Bargasas để vinh danh con trai Hercules.

"Thung lũng Harpasos là vùng đất cát có nhiều nhánh hợp thành sông Harpasos - có thể chính là Lerna trong thần thoại", Malay viết. Trong thần thoại Hy Lạp, trận chiến này có thể đã tạo ra dòng sông thần Harpasos. Ở địa phương cũng lưu truyền câu chuyện huyền thoại về trận đánh của Bargasos với dòng sông nhiều nhánh hung dữ. Sau khi Bargasos chiến thắng con quái vật, dòng sông trở nên hiền hòa (trở thành sông thần Harpasos).


Minh họa trận chiến giữa Hercules và quái vật. (Ảnh: Pinit).

"Theo lệnh trong mơ, Flavius Ouliades lập bia này thờ thần sông Harpasos" - dòng chữ Hy Lạp khắc ở đỉnh bia thờ viết. Chiếc bia cao 0,61 mét, rộng 0,45 mét, đang bảo quản ở bảo tàng Aydin tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát hiện này cho thấy Flavius Ouliades - người làm bia thờ, tin tưởng mạnh mẽ vào thần sông.

"Ouliades có lẽ đã thề lập bia thờ nếu thần sông đáp ứng lời khẩn cầu 'mùa màng bội thu hay bảo vệ thần dân khỏi lũ lụt và bệnh tật", Malay đánh giá.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất