Biến đổi khí hậu tạo ra nhiều vi khuẩn đường ruột
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính làm xuất hiện một số loại vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm đường ruột ở Bắc Âu. Đây là điều bất thường bởi nhóm vi khuẩn này thường phát triển ở môi trường ấm và nhiệt đới.
Kết luận này của các nhà khoa học quốc tế, đăng trên tạp chí Biến đổi khí hậu tự nhiên ra ngày 22/7, là bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho thấy tình trạng nước biển Baltic nóng lên xảy ra đồng thời với sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrios gây các bệnh truyền nhiễm về tiêu hóa tại đây, như bệnh tả và tiêu chảy.
Vi khuẩn Vibrios
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học Anh, Phần Lan, Tây Ban Nha và Mỹ đã kiểm tra nhiệt độ bề mặt nước biển, các dữ liệu thu được qua vệ tinh, và các thống kê về trường hợp nhiễm vi khuẩn Vibrios ở biển Baltic.
Các nhà khoa học nhận thấy số trường hợp nhiễm vi khuẩn tại đây có liên quan mật thiết với mức độ gia tăng nhiệt độ bề mặt nước biển. Cụ thể, mỗi năm nhiệt độ tăng một độ và số trường hợp nhiễm vi khuẩn Vibrios tăng gần 200%.
Nghiên cứu cũng cho biết các đợt bùng phát dịch bệnh do vi khuẩn Vibrios gây ra còn xuất hiện ở những vùng có khí hậu ôn hòa hay lạnh giá ở Chile, Peru, Israel, vùng Tây Bắc nước Mỹ, vùng Thái Bình dương và Tây Bắc Tây Ban Nha, và giới khoa học cho rằng có thể đây cũng là hậu quả của biến đổi khí hậu.
Theo nhiều nghiên cứu về khí hậu, tình trạng gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong không khí khiến nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất tăng khoảng 0,17 độ C từ năm 1980-2010.
Nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu và Mỹ tập trung vào vùng biển Baltic vì khu vực này đã nóng lên với tốc độ chưa từng thấy, ở mức 0,063-0,078 độ C/năm trong thời gian từ năm 1982 đến năm 2010, tương đương 6,3-7,8 độ C/thế kỷ.
Các nhà khoa học lưu ý rằng vi khuẩn Vibrious sẽ xuất hiện ở những khu vực mới khi nhiệt độ nước biển tiếp tục tăng.