Biến thể virus làm bùng dịch đau mắt đỏ ở TP HCM nguy hiểm thế nào?
Tác nhân chính gây đau mắt đỏ tại TP HCM là biến thể virus coxsackie A24 có độ lây lan mạnh hơn, dễ làm bùng dịch, thường gây viêm kết mạc xuất huyết.
Kết quả giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại TP HCM xác định virus coxsackie A24 chiếm 86% mẫu, chủng human adenovirus 54 chiếm 11% và human adenovirus 37 chiếm 3%. Trong đó, coxsackie A24 là biến thể thuộc nhóm enterovirus.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết các loại virus này khác nhau về mức độ lây, còn về độ gây bệnh nặng đến nay chưa có bằng chứng khẳng định có sự khác biệt. Trong đó, enterovirus thường có độ lây lan mạnh hơn, gây nhiều trận dịch lớn trên thế giới.
Coxsackie A24 cùng với EV70 (cùng thuộc nhóm enterovirus) thường gây viêm kết mạc xuất huyết (AHC), là biểu hiện chủ yếu trong đợt bùng phát mắt đỏ hiện nay tại TP HCM. Hai tác nhân này từng gây trận dịch viêm kết mạc xuất huyết đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Từ đó, nhiều trận dịch viêm kết mạc xuất huyết lần lượt được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới.
Tại châu Á, coxsackie A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch tại các nước khác, là tác nhân chính gây dịch viêm kết mạc xuất huyết tại tại Okinawa, Nhật Bản năm 2011. Năm 2014, nhóm enterovirus gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 3 tháng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết tính chất của coxsackie A24 lây lan nhanh, gây dịch, trong khi một số tác nhân khác thường gây những ca đau mắt đỏ lẻ tẻ. Các nghiên cứu ghi nhận virus chứa nhân RNA như coxsackie A24 thường có tính lây lan nhanh hơn so với loại chứa nhân DNA như adenovirus - cũng là tác nhân gây đau mắt đỏ khá phổ biến.
"Viêm kết mạc xuất huyết không nguy hiểm hơn, song gây đỏ mắt nhiều, có thể tiết dịch hồng, khiến người bệnh lo lắng, khó chịu hơn. Bệnh đa số lành tính, có thể tự khỏi", bác sĩ nói. Coxsackie A24 vẫn có thể gây ra bệnh cảnh viêm kết mạc mắt nặng nhưng thường là cấp tính, một số rất ít trường hợp có thể phù giác mạc, trong khi tác nhân adenovirus có thể gây viêm giác mạc mạn tính, dẫn đến mù lòa.
Virus coxsackie A24. (Ảnh: 123rf).
Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan ở nhiều địa phương cả nước. Những ngày gần đây TP HCM ghi nhận gần 4.000 người đau mắt đỏ mỗi ngày, các bệnh viện Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Phước... cũng tiếp nhận bệnh nhân đến khám tăng gấp nhiều lần.
Đau mắt đỏ lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt, mũi, miệng như sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh, qua khăn rửa mặt, quần áo, nước trong bể bơi, qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh, dụi tay vào mắt... Triệu chứng thường gặp bao gồm mắt đỏ do xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ, khó mở mắt khi ngủ dậy...
Người mắc bệnh đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh sẽ được bác sĩ chỉ định khi người bệnh có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, bởi không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Có thể chườm lạnh giúp mắt giảm sưng, giảm khó chịu ở mắt. Thường xuyên rửa tay và mặt sạch với xà phòng sát khuẩn dịu nhẹ. Tránh dùng chung ly, bát, khăn mặt với người khác để ngừa lây nhiễm. Không dụi mắt, không đi bơi, sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Người sau khi khỏi bệnh cần sát khuẩn kính mắt, giặt sạch chăn gối, khăn mặt để tránh tái nhiễm.
- Tại sao đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp?
- Những điều "không thể không biết" về bệnh đau mắt đỏ
- Cách ngừa đau mắt đỏ hiệu quả