Binh đoàn La Mã bại trận lưu lạc 8.000km đến Trung Quốc?

Binh đoàn La Mã 40.000 người thảm bại trong trận đánh mở mang bờ cõi sang phía đông, được cho là từng lưu lạc xa tận 8.000km, đến sinh sống tại một ngôi làng hẻo lánh của Trung Quốc.

Người La Mã trong giai đoạn trước Công Nguyên xây dựng một trong những đế chế hùng mạnh nhất lịch sử.

Năm 53 trước Công Nguyên, đạo quân La Mã dưới sự chỉ huy của Marcus Licinius Crassus, người giàu có nhất thành Rome, muốn mở rộng quyền kiểm soát đế chế đến Parthia (Iran ngày nay), theo War History Online.


Quân La Mã từng thảm bại trước đế chế Parthia khi mở rộng bành trướng về phía đông.

Chiến dịch do Marcus đơn phương tiến hành, không hề xin phép cũng như được sự chấp thuận của nghị viện La Mã.

Trận đánh thảm bại

Đội quân La Mã do Marcus chỉ huy đi xa về phía đông, đến Harran ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ thì đụng độ quân Parthia do Surena chỉ huy trong trận Carrhae vào tháng 5 năm 53 trước Công Nguyên

Ban đầu, quân đội của Marcus được bố trí theo truyền thống. Nhưng do phải vượt sông, đa phần đội hình co lại thành những cụm hình vuông.

Tướng Surena khôn khéo giấu đi kỵ binh, sức mạnh thật sự của đế chế Parthian và chỉ để 1 số ít quân phía trước với mục đích dẫn dụ quân Marcus qua sông.

Đích thân tướng Surena với thân hình to lớn và dũng mãnh dẫn đầu đoàn kỵ binh tấn công quân La Mã. Lúc này, dù có quân số ít hơn nhưng kỵ binh Parthia kết hợp với cung thủ lại chiến đấu rất hiệu quả. Hàng ngàn đợt tên bắn ra khiến cho binh đoàn La Mã không có cơ hội kháng cự.

Đến lúc này, Marcus buộc phải lệnh cho con trai Publius dẫn theo khoảng 4.000 quân để đánh nghi binh, tấn công mạnh mẽ để tạo điều kiện cho quân chủ lực phản công.


Kỵ binh Parthia vừa cưỡi ngựa vừa bắn cung khiến quân La Mã gặp tổn thất nặng nề.

Tuy nhiên, quân Pathian rất tỉnh táo, họ biết tiến biết lui đúng lúc để có thể bao vây ngược trở lại cánh quân nhỏ này. Đội quân 4.000 người cùng Publius thảm bại trước đạo quân của người Parthia.

Đứng trước thất bại thảm hại, Marcus cố gắng đưa quân rút chạy về lãnh thổ đồng minh. Nhưng quân La Mã thảm bại hoàn toàn, 3/4 số quân của Marcus bị xóa sổ sau trận Carrhae. 10.000 người sống sót bị bắt làm tù binh và phải đi lao động khổ sai.

Lưu lạc sang Trung Quốc

Người Parthia có truyền thống bắt sống tù bình, cải tạo họ thành lính biên phòng. 10.000 quân La Mã còn sót lại được đưa đến mặt trận phía đông.

Tại đây, người La Mã không có cơ hội chạy trốn vì ở cách hàng ngàn km so với quê hương. Đa số chấp nhận việc phải làm quen với cuộc sống mới.

Vài năm sau đó, người Parthia xung đột với quân Trung Quốc tại một thị trấn biên giới ngày nay ở Taraz, Kazakhstan, giáp với Kyrgyzstan.

Các nhà sử học Trung Quốc mô tả cuộc đụng độ tại ngôi làng nhỏ rất khốc liệt, nhưng người Trung Quốc giành chiến thắng cuối cùng. Trung Hoa dưới thời nhà Hán khi đó đang ở đỉnh cao của sự thịnh vượng, không ngừng mở rộng bờ cõi về phía Tây. Nhiều người Parthia đào ngũ sang Trung Quốc, bao gồm cả đạo quân La Mã xưa kia.

Người Trung Quốc ấn tượng với các chiến binh La Mã đến mức tin tưởng giao cho họ canh giữ một thị trấn biên giới khác, lần này là giáp giữa Trung Quốc và Tây Tạng.


Binh đoàn La Mã trải qua hành trình 8.000km đến sinh sống tại một ngôi làng hẻo lánh ở Trung Quốc.

Ước tính có khoảng 1.000 người La Mã sinh sống và canh gác ở ngôi làng Liqian (có nghĩa là quân đoàn, cụm từ khá phổ biến của người La Mã). Những người đàn ông này biết sử dụng nhiều công cụ và biến khu vực trở thành một pháo đài kiên cố, vốn khá phổ biến ở Địa Trung Hải, nhưng rất hiếm ở châu Á.

Người Roman sống yên bình ở Liqian trong suốt khoảng thời gian còn lại. 2.000 năm sau đó, giới khoa học chứng minh 50% mẫu ADN của người dân địa phương sống ở đây đều có tổ tiên là người da trắng, mắt xanh và chiều cao vượt trội. Họ còn có nhiều đặc điểm nhận dạng giống với người La Mã.

Người dân sống tại ngôi làng nhỏ này tỏ ra tự hào với nguồn gốc của mình, thường tổ chức lễ hội của người La Mã và thờ bò đực, linh vật của đoàn quân La Mã.

Tuy vậy, nhiều nhà sử học ngày nay bác bỏ câu chuyện này. Họ cho rằng ngôi làng Liqian nằm gần Con đường Tơ lụa nổi tiếng, nên nguồn gốc ADN của người da trắng có thể bắt nguồn từ các thương nhân nghỉ chân ở đây.

Giới khảo cổ Trung Quốc ngày nay cũng chưa tìm thấy bằng chứng xác đáng, như đồng xu, hiện vật của người La Mã ở Liqian. Nhưng nếu giả thuyết này là chính xác, câu chuyện binh đoàn La Mã bại trận lưu lạc tận 8.000km, sang tận mảnh đất Trung Hoa sinh sống, lập nghiệp là điều đáng kinh ngạc.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất