Bộ đôi ngư lôi “khủng” của Hải quân Việt Nam đáng gờm đến mức nào?
Tàu chiến nào của Việt Nam có khả năng mang theo ngư lôi?
Tính tới năm 2019, trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam có ít nhất ba lớp tàu chiến được trang bị ngư lôi dành cho nhiệm vụ chống hạm cũng như chống ngầm. Một trong số đó có cả lớp tàu chiến hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân là tàu hộ vệ tên lửa Gepard.
Tuy nhiên, lớp tàu chiến có khả năng phóng lôi đông đảo nhất của Hải quân Việt Nam vẫn là các tàu phóng lôi Shershen hay có còn được gọi là Đề án 206. Bất ngờ hơn Quân chủng Hải quân còn sở hữu cả biến thể nâng cấp của Shershen là Turya - Đề án 206M.
Về cơ bản số lượng tàu phóng lôi Đề án 206 có mặt trong biên chế Hải quân Việt Nam theo nhiều số liệu có thể lên đến 20 chiếc, trong đó các tàu Turya chỉ khoảng 5 chiếc. Các tàu phóng lôi của Đề án 206 đều được trang bị các phóng ngư lôi OTA-53-206/206M.
Tàu phóng lôi 335 lớp Turya thuộc biên chế Vùng 3 Hải quân - Hải quân Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Wikipedia).
Lớp tàu có khả năng mang ngư lôi tiếp theo của chúng ta chính là các tàu hộ vệ săn ngầm Petya II và Petya III – Đề án 159. Có một điều khá đặc biệt là Việt Nam sở hữu các biến thể tàu Petya được trang bị các hệ thống phóng ngư lôi khác nhau gồm PTA-53-57 bis và PTA-40-159. Trong đó PTA-53-57 bis chỉ được trang bị cho các tàu Petya xuất khẩu.
Lớp tàu chiến thứ 3 của Hải quân Việt Nam được trang bị ngư lôi như đã nói ở trên chính là các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thuộc Đề án 11661E. Tuy nhiên chỉ có hai tàu Gepard của chúng ta được trang bị ngư lôi gồm Tàu 015 – Trần Hưng Đạo và Tàu 016 Quang Trung nhằm tăng cường năng lực tác chiến chống ngầm.
Về hệ thống ngư lôi của các tàu Gepard nhiều khả năng chúng được bị hệ thống phóng ngư lôi PTA-53-11661 với hai cụm ống phóng được đặt hẳn vào bên trong thân tàu.
Điều khá thú vị là các tàu chiến được trang bị ngư lôi của Hải quân Việt Nam từ các tàu thế hệ mới như Gepard cho đến các "lão tướng" Shershen đều sử dụng chung các loại ngư lôi hạng nặng có đường kính 533mm do Liên Xô phát triển vào đầu những năm 1960.
Sự thật bất ngờ về kho ngư lôi của Hải quân Việt Nam
Ở thời điểm hiện tại Quân chủng Hải quân được trang bị ít nhất 4 dòng ngư lôi trong đó có tới ba loại ngư lôi 533mm và một loại 400mm gồm: 53-56AV, SET-40U/UE, SET-53M và TEST-71. Ngoại trừ 53-56AV thì các mẫu ngư lôi còn lại đều có thể được sử dụng trong mục đích chống hạm lẫn chống ngầm.
Tuy nhiên trong số các ngư lôi trên thì phổ biến nhất vẫn là 53-56AV, đây là một trong các biến thể cải tiến của 53-65 – mẫu ngư lôi hạng nặng 533mm được phát triển cho Hải quân Liên Xô từ đầu những năm 1960. Mặc dù có thời gian phục vụ đã khá dài thế nhưng 53-65 vẫn là mẫu ngư lôi chống hạm được hải quân nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Tàu hộ vệ săn ngầm Petya III thuộc Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân bắn diễn tập với ngư lôi 533mm nhiều khả năng là 53-56AV. (Ảnh: Báo Đắk Nông).
Trong biên chế Hải quân Việt Nam 53-56AV được trang bị trên các tàu phóng lôi Shershen, Turya và cả tàu hộ vệ săn ngầm Petya khi nó hoàn toàn có thể được phóng đi từ các ống phóng lôi 533mm - OTA-53-206 và PTA-53-57 bis được trang bị trên các tàu chiến này.
Trọng lượng chiến đấu của ngư lôi 53-56AV là 2.100kg, dài 7.200mm; mang theo đầu đạn nặng 300kg. Tầm bắn hiệu quả của nó có thể lên đến 22.000m với tốc độ di chuyển dưới nước có thể đạt 44 hải lý/h, các mẫu ngư lôi 53-65 đều sử dụng đầu dẫn bằng sóng âm.
Nếu 53-56AV chỉ có thể chuyên chống hạm thì nhiệm vụ chống ngầm trên các tàu chiến của chúng ta đã có SET-40U/UE – mẫu ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ cỡ 400mm do Liên Xô sản xuất.
Trên thực thế ngư lôi SET-40 là trang bị chính thức trên các tàu hộ vệ săn ngầm Petya mà Việt Nam đang trang bị, còn 53-56AV chỉ là hệ thống vũ khí được mở rộng ở biến thể xuất khẩu.
Tàu hộ vệ săn ngầm Petya II thuộc Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân bắn diễn tập với ngư lôi chống ngầm SET-40UE. (Ảnh: Báo Hải quân).
Theo đó các tàu Petya II được trang bị các SET-40 đi kèm với đó sẽ là các ống phòng ngư lôi PTA-40-159 – 400mm, mỗi cụm phóng được trang bị tới 5 ống phóng, trong khi đó trên các tàu Petya III chúng được trang bị các ống phóng PTA-53-57 – 533mm mỗi cụm phóng chỉ mang theo 3 ống phóng.
Điều này giúp chúng ta có thể phân biệt được rõ sự khác biệt giữa các tàu hộ vệ săn ngầm Petya của Hải quân Việt Nam.
Quay lại với ngư lôi SET-40, nó được phát triển cho Hải quân Liên Xô cũng vào đầu những năm 1960 đến năm 1968 thì phiên bản nâng cấp SET-40U ra đời, đây là thế hệ ngư lôi đầu tiên của Liên Xô có thể tìm kiếm mục tiêu dưới nước thông qua một hệ thống sonar chủ động.
Về năng lực tác chiến, SET-40U/UE có tầm bắn chỉ khoảng 8.000m; tốc độ di chuyển 29 hải lý/h; tầm hoạt động của đầu dò chủ động trong khoảng 600 - 800m. Trọng lượng chiến đấu cơ bản của ngư lôi là 550kg; dài 4.500mm và mang theo đầu đạn nặng 80kg.
Dù 53-56AV và SET-40U/UE có những điểm mạnh, yếu khác nhau nhưng chúng không phải là mẫu ngư lôi có năng lực tác chiến toàn diện nhất của Hải quân Việt Nam, bởi vị trí này thuộc về mẫu ngư lôi SET-53M.
Sở dĩ nói như vậy là bởi SET-53M là mẫu ngư lôi hạng nặng 533mm sở hữu cả năng lực chống hạm lẫn chống ngầm có thể được trang bị trên nhiều lớp tàu chiến của Việt Nam từ các tàu phóng lôi Shershen cho đến tàu hộ vệ tên lửa Gepard.
Việc Hải quân Việt Nam lựa chọn ngư lôi hạng nặng như SET-53M cùng hệ thống phóng PTA-53-11661 trang bị cho các tàu Gepard chứ không phải là hệ thống ngư lôi Paket-NK 324 mm thường thấy trên tàu hộ vệ tên lửa 2.000 tấn của Nga nhiều khả năng là nhằm đảm bảo hậu cần kỹ thuật, do chúng ta đã quen khai thác sử dụng loại vũ khí này.
Bản thân SET-53 được phát triển cho Hải quân Liên Xô từ năm 1958 đến năm 1964 phiên bản nâng cấp SET-53M được hoàn thành với nhiều tính năng kỹ chiến thuật vượt trội.
Tầm tác chiến hiệu quả ngư lôi SET-53M vào khoảng 14.000m; tốc độ di chuyển tối đa 29 hải lý/h và tầm hoạt động của đầu dò thụ động đạt 600 m. Trọng lượng chiến đấu cơ bản cả ngư lôi là 1.480kg; dài 7.800mm; đầu đạn 100kg.
Các tàu hộ vệ tên lửa của Hải quân Việt Nam hoàn thành tốt diễn tập trên biển
- Cận cảnh súng bắn tỉa cực khủng do Việt Nam sản xuất
- Đây là cách Việt Nam biến súng chống tăng B-41 thành "pháo đại bác"