Bộ lạc ngủ cùng xác ướp hun khói khô đen của tổ tiên

Người dân bộ lạc Dani trên cao nguyên Indonesia có truyền thống ướp xác tổ tiên và những vị anh hùng bằng cách hun khói liên tục đến khi hài cốt khô đen.

Ôm xác ướp có niên đại hàng trăm năm của cụ tổ, tù trưởng Eli Mabel chia sẻ về một truyền thống lâu đời vẫn lưu truyền ở cộng đồng người Dani trên cao nguyên Papua thuộc Indonesia, Yahoo hôm 15/8 đưa tin.

Bộ hài cốt quắt queo màu đen mà ông đang ôm là Agat Mamete Mabel, tù trưởng đứng đầu ngôi làng xa xôi ở tỉnh Papua cách đây 250 năm. Sau khi qua đời, xác Agat được ướp thơm, sau đó bảo quản bằng khói và mỡ động vật theo phong tục nhằm tôn vinh những người lãnh đạo quan trọng và anh hùng địa phương của người Dani.

Trải qua 9 thế hệ, hậu duệ của Agat là Eli tiếp tục giữ chức tù trưởng làng Wogi, ngôi làng nhỏ nằm biệt lập bên ngoài Wamena, thị trấn lớn nhất ở vùng cao nguyên Papua. Cách duy nhất để đi tới ngôi làng là leo núi và bơi xuồng.


Tù trưởng Eli ôm xác ướp cụ tổ. (Ảnh: AFP).

Eli không biết chính xác tuổi của Agat nhưng chia sẻ cụ tổ của ông là người cuối cùng trong làng được mai táng theo phong tục hun khói này. Những người truyền đạo Cơ Đốc giáo và Hồi giáo đã khuyến khích bộ lạc chôn người chết, khiến cách mai táng truyền thống mai một theo thời gian. Nhưng Eli quyết tâm gìn giữ nghi thức cổ đại cho các thế hệ mai sau. "Chúng tôi phải bảo vệ văn hóa của mình, bao gồm những nghi lễ với xác ướp", Eli cho biết.

Xác ướp được trang trí bằng răng lợn lòi treo lủng lẳng quanh sọ, mũ đội đầu gắn lông chim nằm trong một túp lều tên là "honai". Một số dân làng được giao trông coi chiếc lều lợp mái rạ hình vòm lớn này và đốt lửa quanh năm để đảm bảo xác ướp luôn khô ráo.

Nhiệm vụ chăm sóc xác ướp do dân làng thay phiên nhau phụ trách. Người trông xác hiện nay là Eli. Nhiều đêm ông ngủ một mình trong lều nhằm chắc chắn hài cốt tổ tiên không bị hư hại. Eli hy vọng những người con của ông sẽ đảm nhiệm trọng trách duy trì phong tục.

"Tôi bảo các con phải trông nom xác ướp trong tương lai", Eli nói. Trong số 4 người con của ông, một số người đã chuyển đến vùng trung tâm đông dân cư hơn của Indonesia.

Ngoài ra, ở bộ tộc Dani, khi một người thân yêu trong gia đình mất đi, những người còn lại sẽ thể hiện nỗi buồn bằng việc cắt cụt một ngón tay của mình. Cắt cụt ngón tay là một trong những nét văn hóa được người dân ở bộ lạc Dani, Papua, Indonesia lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Tuy vậy, việc cắt ngón tay này chỉ thực hiện với phần lớn phụ nữ trong bộ tộc, một nghi lễ được đánh giá là tàn bạo và khủng khiếp.


Nghi lễ này đã bị chính phủ Indonesia cấm thực hiện trong vài năm gần đây. (Ảnh: Odd).

Theo tín ngưỡng từ bộ tộc Dani, nếu người quá cố khi sống là người mạnh mẽ thì khi chết, linh hồn của họ cũng chứa sức mạnh và sẽ đi quấy nhiễu người sống. Do đó, để xoa dịu linh hồn người chết và khiến họ yên tâm siêu thoát, những phụ nữ có họ hàng sẽ phải cắt đốt ngón tay.

Trước khi cắt, ngón tay sẽ được buộc chặt trong vòng 30 phút rồi để khô. Sau đó, chúng sẽ được mang đi đốt và tro của các ngón tay này sẽ được chôn trong một khu vực đặc biệt.

Một số người cũng giải thích rằng, nỗi đau thể chất từ việc cắt ngón tay sẽ tượng trưng cho nỗi đau tinh thần, khi chúng ta mất đi người thân yêu. Người thực hiện cắt ngón tay sẽ là cha, mẹ hay anh chị em ruột. Trong một nghi lễ kỳ lạ khác, các em bé cũng bị mẹ cắt ngón tay với hy vọng, chúng sẽ sống lâu hơn.

Người Dani ở tỉnh Papua sống tách biệt với thế giới bên ngoài cho đến cuối thế kỷ 20. Vùng đất của họ ở thung lũng Baliem rất khó tiếp cận do những sườn núi dốc đứng gồ ghề và rừng rậm cao nguyên dày đặc. Ngày nay, vùng đất này vẫn là một trong những nơi nghèo nhất ở Indonesia.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất