Bộ não của những người hướng nội và hướng ngoại liệu có giống nhau?

Đừng cho rằng một người nhút nhát là một người hướng nội. Cả những người hướng ngoại lẫn hướng nội đều có mặt nhút nhát của mình. Những người hướng nội không phải lúc nào cũng im lặng, dễ bị tổn thương và tất nhiên chẳng thù ghét gì con người.

Một phần ba đến khoảng một nửa dân số trên thế giới là người hướng nội. Trong khi những người hướng ngoại được quý mến trong xã hội phương Tây, thì những người hướng nội lại nằm trong tình cảnh ngược lại. Tuy vậy, cả hai đều có mặt tích cực cũng như hạn chế của mình, cuộc sống đơn thuần chỉ là cho mỗi người những cách khác nhau để trải nghiệm và đương đầu với nó.

Ngoài ra, không ai thật sự hoàn toàn là hướng nội hay hướng ngoại cả, tất cả chúng ta đều là sự pha trộn của cả hai dạng tâm lý trên. Dẫu vậy, tính cách của con người có xu hướng thiên về một bên nào đó hơn.


Người hướng ngoại có khả năng chịu đựng dopamine cao hơn.

Bộ não của người hướng nội hoạt động khác với những người hướng ngoại. Họ nhạy cảm hơn với dopamine, một chất truyền dẫn thần kinh giúp chúng ta cảm thấy thoải mái khi hành động nhanh chóng và mạo hiểm. Điều này có nghĩa là những người hướng nội không cần nhiều chất trên để trở nên tràn đầy năng lượng, dư thừa chỉ dẫn đến việc bị kích thích quá mức; do đó, người hướng nội thích ở một mình hoặc với một nhóm nhỏ.

Ngoài ra, não bộ của người hướng nội có các kích thích thông qua các đường nhánh dài của acetylcholine - một loại chất dẫn truyền thần kinh, đi qua các phần khác nhau của não bộ. Sự phân nhánh đối với một hành trình dài như vậy cho thấy người hướng nội có khả năng nhận biết các chi tiết và lỗi nhỏ, suy nghĩ lan man về nhiều thứ và phải mất một lúc để xử lý và phản ứng lại thông tin vừa tiếp nhận.

Ở chiều ngược lại, người hướng ngoại có khả năng chịu đựng dopamine cao hơn, vì thế họ cần sự kích thích nhiều hơn để được tiếp năng lượng cũng như "sạc" lại nguồn năng lượng đã tổn hao. Họ thích sự náo nhiệt và được vây quanh bởi một đám đông. Bộ não của họ cũng nhận được những kích thích nhanh chóng, cho phép họ phản hồi, tác động ngược trở lại với các môi trường khác nhau một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Những khác biệt sinh học trên chỉ ra rằng những người hướng nội có xu hướng lắng nghe tốt, thích tận hưởng sự cô đơn và ít mắc phải những tình huống nhỡ mồm hơn vì họ thường suy nghĩ kỹ càng mọi thứ trước khi nói. Họ cũng có thể đọc vị người khác tốt hơn, thích giải quyết vấn đề và ít bốc đồng khi so sánh những người hướng ngoại, là những người có xu hướng tự chuốc lấy rủi ro và thường phải làm "khách quen" của những nơi như bệnh viện hay tù ngục. Tuy nhiên, người hướng nội có nhược điểm của mình, họ thường cảm thấy cô độc và không đánh giá cao bản thân như người hướng ngoại.

Dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại hay bất cứ dạng nào đi nữa thì điều đó cũng không quan trọng. Nếu biết bản thân mình có thiên hướng nào, bạn có thể tận dụng thế mạnh đó. Điều quan trọng nhất là sống đúng với tính cách của mình.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất