Bọ xít hút máu ở Việt Nam ít có khả năng gây bệnh nguy hiểm
"Bọ xít hút máu người có ở Việt Nam, tuy nhiên những ai bị đốt cũng không cần quá lo lắng, sợ mắc bệnh ngủ Chaga vì ở nước ta không có nguồn gây bệnh này", tiến sĩ Hồ Đình Trung, Viện phó Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương nói.
Mới đây, tiến sĩ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết đã tìm thấy nhiều mẫu bọ xít hút máu người tại Hà Nội. Điều này khiến ông khá bất ngờ vì loài này thường sống ở vùng trung du.
"Nhiều người dân không biết đến loại côn trùng này nên nếu có vô tình nhìn thấy cũng không để ý. Có trường hợp bị đốt mấy lần mà không hiểu do đâu, chỉ thấy trên tay, chân có vết đỏ có khi bằng ngón tay, hơn một tuần mới lành", tiến sĩ Lam nói.
Anh Phạm Văn Trường, một độc giả tại Hải Phong chia sẻ, cách đây một năm, hai vợ chồng anh cũng bị loại bọ xít này đốt. Mới đầu, anh chị tưởng là muỗi nên hôm sau mắc màn nhưng vẫn bị đốt. Mới đầu, chỗ bị đốt rất ngứa, càng gãi càng thấy ngứa hơn, sưng to và rất lâu khỏi. Sau khi hai vợ chồng bị đốt 6-7 lần, anh mới nghĩ chắc nhà mình có con gì đó. Lật tung cả giường lên để tìm kiếm, nhưng anh chỉ phát hiện ra con bọ xít (như trong ảnh) ở dưới giát giường. Sau hôm đó, thì thấy không bị đốt nữa.
Một độc giả khác thì cho biết: "Tôi từng bị loại côn trùng này đốt từ mười mấy năm trước. Đến giờ thỉnh thoảng cũng bị, vết đốt thường sưng to, nóng và rất ngứa. Ban đầu không hiểu là con gì cắn, đến lúc dọn giường phát hiện ra nó. Đập chết thì thấy trong bụng nó có rất nhiều máu".
Không chỉ gây ngứa, đau khó chịu, nhiều người từng bị con bọ xít này đốt tỏ ra rất lo lắng, sợ bị mắc bệnh ngủ Chaga.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, loại bọ xít hút máu người này là loại trung gian truyền ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, gây bệnh Chaga. Bệnh thường có triệu chứng sau một đến ba tháng, biểu hiện mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và ngủ vặt nhiều. Đặc biệt, mầm bệnh có thể ủ trong cơ thể người và làm mất dần khả năng miễn dịch, trở thành bệnh mãn tính từ 10 đến 40 năm sau, dẫn đến các bệnh về máu như: tắc nghẽn mạch máu, rung tim…
Ở một số quốc gia ở Trung và Nam Mỹ đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh ngủ Chaga do bị bọ xít hút máu người đốt. Nếu bị đốt, người bệnh sẽ sốt cao, tiêu chảy, buồn ngủ, khi chuyển từ thể cấp sang thể mạn, sẽ để lại hậu quả nguy hiểm.
Theo tiến sĩ Hồ Đình Trung, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, ở Việt Nam cũng có loại bọ xít này nhưng khả năng truyền bệnh của nó là rất thấp, nếu không nói là hầu như không có.
"Bọ xít hút máu người là một loại trung gian truyền bệnh, nó chỉ gây bệnh khi hút máu ở nguồn mang bệnh. Nhưng ở Việt Nam không có mầm bệnh, giả sử nếu có thì cũng cực kỳ ít vì thế bọ xít bị nhiễm bệnh rất nhỏ. Nguy cơ lây bệnh sang người cũng không đáng kể. Đến thời điểm này, nước ta chưa ghi nhận một trường hợp nào mắc bệnh Chaga", tiến sĩ Trung cho biết.
Theo các nhà khoa học, loại bọ xít hút máu người này thường sống ở những nơi bóng tối như khe giường, dưới chiếu, đệm tủ... Cách tốt nhất để tiêu diệt nó là tìm, bắt và giết chứ không nên phun thuốc. Lý do là ban ngày chúng thường trốn rất kỹ, ở các ngóc ngách rất khó phun được thuốc vào.
Bên cạnh việc tìm con trưởng thành, mọi người cũng cần lưu ý tìm và loại bỏ trứng của chúng. Trứng thường được đẻ và bám vào thành ngoài của giường tủ, to, thành chùm, màu trắng ngà nên dễ nhận biết.
Những chỗ bị đốt thường trở nên ngứa, càng gãi càng ngứa, sau đó thì đau và sưng to lên, 10-12 ngày mới lành. Vì thế, nếu bị đốt bạn có thể đi khám da liễu để cho thuốc bôi, thuốc giảm đau. Ngoài ra, theo chia sẻ của một độc giả ở Đà Nẵng, sau 2 lần bị đốt chị rút kinh nghiệm thấy vết đốt là chị cho ngâm qua nước ấm, bôi thuốc. Đồng thời cố gắng không gãi vào chỗ bị đốt, ngứa quá thì bóp nhẹ, nếu không nó có thể bị loét càng lâu khỏi hơn.