Bốn sinh vật quấn nhau "hóa đá" 38 triệu năm: Loài mới lộ diện

Tại bang Wyoming nước Mỹ, các nhà khoa học đã tìm thấy một trong những mẫu hóa thạch kinh dị nhất mọi thời đại, thuộc về một loài mới.

Loài mới được đặt tên là Hibernophis breithaupti, sống ở Bắc Mỹ cách đây 38 triệu năm và đã viết lại lịch sử dòng dõi rắn, theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Alberta (Canada).

Theo Sci-News, loài này đã được xác định nhờ một cụm hóa thạch đặc biệt được khai quật từ hệ tầng White River ở bang Wyoming - Mỹ, khu vực ngày xưa từng có 2 hệ thống núi lửa hoạt động mạnh mẽ.


Hóa thạch kinh dị của loài mới được khai quật ở bang Wyoming - Mỹ - (Ảnh: Jasmine Croghan).

Hóa thạch Hibernophis breithaupti trông như một sinh vật kinh dị từ thần thoại bước ra, thân mình uốn khúc phức tạp, nhiều đoạn lớn nhỏ khác nhau, với những phần xương gần như nguyên vẹn hoàn toàn sau hàng chục triệu năm.

Thật ra, đó không phải một sinh vật mà là 4 sinh vật thuộc phân bộ rắn, có kích thước khác nhau, quấn nhau thành một khối kỳ dị, được bảo tồn nguyên tư thế trước khi chết

Theo GS Michael Caldwell, tác giả chính của nghiên cứu, chúng được bảo quản trong một hoàn cảnh rất bất thường về mặt địa chất.

Đó là khi một đợt phun trào khủng khiếp của núi lửa khiến tro bụi bọc lấy cả 4 con rắn chỉ trong một khoảnh khắc, khiến chúng gần như hóa đá ngay lập tức.

Cũng chính vật liệu mịn từ núi lửa đã bọc kín sinh vật, bảo tồn từng chi tiết nhỏ nhặt nhất theo thời gian.

Bất ngờ hơn, loài mới này là loài cổ xưa nhất và cũng có thể chính là loài đầu tiên của siêu họ Booidea thuộc phân bộ rắn, một nhóm bao gồm nhiều loài trăn hiện đại.

Theo các tác giả, loài trăn hiện đại phân bố rộng rãi ở châu Mỹ, nhưng quá trình tiến hóa ban đầu của chúng vẫn chưa được hiểu rõ.

Loài mới Hibernophis breithaupti có thể chính là mảnh ghép còn thiếu đó.

Các chi tiết từ hóa thạch cho thấy những con trăn này đào hang để sinh sống và có thể đang trong quá trình ngủ đông lúc bị tro bụi núi lửa chôn vùi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất