Brazil phát hiện 8 đột biến gene của virus sốt vàng da

Phóng viên tại Nam Mỹ đưa tin ngày 1/4, các nhà khoa học Brazil cho biết đã phát hiện ít nhất 8 đột biến gene của virus gây dịch sốt vàng da tại nước này, khiến hơn 350 trường hợp tử vong trong tổng số hơn 1.130 ca mắc bệnh kể từ tháng 7/2017 đến nay.

Báo cáo của chuyên gia y tế Brazil cho biết những đột biến gene trên có liên quan đến protein tham gia vào quá trình nhân lên của virus.

Các đột biến đó sinh ra sau quá trình hoàn thành một bộ gene của virus sốt vàng da được lấy từ mẫu bệnh phẩm của những con khỉ tại khu vực rừng bang miền Đông Nam Espirito Santo vào cuối tháng Hai vừa qua.

Theo Quỹ Oswaldo Cruz, sự thay đổi về di truyền của virus sốt vàng da trên không ảnh hưởng đến hiệu quả của vắcxin phòng dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, chuyên gia y tế Brazil cho biết sẽ cố gắng tìm ra khả năng virus đột biến ở mức độ mạnh hơn, đồng thời nhấn mạnh vi sinh vật thuộc kiểu gene dòng Nam Mỹ 1E chiếm ưu thế tại Brazil từ năm 2008.

Phát biểu với kênh truyền hình Globo News, Trưởng Phòng thí nghiệm về muỗi truyền bệnh thuộc Quỹ Oswaldo Cruz, Ricardo Lourenso, khẳng định tầm quan trọng của việc lấy mẫu bệnh phẩm của những con khỉ nhiễm sốt vàng da ở điều kiện và thời điểm phù hợp để nghiên cứu và xác định chính xác virus.


Tiêm phòng sốt vàng da cho người dân tại Sao Paolo, Brazil. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Ông Lourenso cho biết một trong những con khỉ được lấy mẫu bệnh phẩm đã chết gần đây, trong khi con khác vẫn sống nhưng trong giai đoạn cuối của bệnh.

Về phần mình, Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử nhóm Flavivirus của Quỹ Oswaldo Cruz, Myrna Bonaldo đề cập khả năng sử dụng vắcxin phòng sốt vàng da không đạt hiệu quả cao trong bối cảnh Chính phủ Brazil đang mong muốn triển khai chương trình tiêm vắcxin phòng bệnh này trên cả nước.

Bà Bonaldo cho biết vắc xin phòng sốt vàng da được sử dụng hiệu quả trong suốt 80 năm qua. Những biến đổi gen của virus không xảy ra ở các protein chính mà nằm ở phía ngoài. Do vậy, khả năng miễn dịch có thể cao hơn hoặc thấp hơn.

Các chuyên gia y tế sẽ nghiên cứu ảnh hưởng của 8 đột biến đó đối với khỉ, muỗi và người bị nhiễm dịch bệnh này.

Sốt vàng hay sốt vàng dabệnh cấp tính lây truyền qua muỗi đốt. Có hai loại sốt vàng da là sốt do muỗi Haemogogus và Sabethes truyền và loại khác do muỗi Aedes aegypti, cũng là thủ phạm gây bệnh sốt xuất huyết, zika và sốt rét vàng, gây ra.

Trong đa số trường hợp, các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt rét, mất cảm giác thèm ăn, nôn, đau cơ đặc biệt ở lưng và nhức đầu.

Ở một số người, bệnh thuyên giảm trong vòng một ngày, tuy nhiên sau đó tái phát kèm theo đau bụng và bị tổn thương gan, có nguy cơ làm chảy máu bên trong và ảnh hưởng tới các chức năng của thận.

Sốt vàng da phổ biến ở những vùng nhiệt đới của Nam Mỹ và châu Phi. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, số trường hợp mắc căn bệnh này liên tục tăng trên thế giới. Lần gần đây nhất dịch sốt vàng da được ghi nhận tại Brazil là hồi năm 1942 ở bang Acre.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất