Bụi núi lửa đe dọa máy bay như thế nào?
Bụi núi lửa là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với ngành hàng không vì chúng gây cản trở tầm nhìn và làm hỏng động cơ máy bay.
CNN dẫn lời Cục Địa chất Mỹ cho biết, máy bay rất dễ rơi vào không gian khói bụi của núi lửa vì con người khó có thể phân biệt mây thường và mây bụi, dù bằng mắt thường hay qua radar.
Từ nơi phát tán, bụi khói có thể trôi dạt rất xa. Đợt phun trào núi lửa hôm 14/4 ở Iceland đã làm một lượng khói bụi khổng lồ trôi dạt trên Đại Tây Dương, khiến các chuyến bay ở Tây Âu bị gián đoạn.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu máy bay gặp khói bụi núi lửa?
Theo hãng Airbus, các máy bay phải tuyệt đối tránh bay vào khu vực có khói bụi núi lửa. Các hãng chế tạo máy bay nói rằng thực tế cho thấy khói bụi có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến bề mặt máy bay, kính chắn gió, động cơ. Các hệ thống thông gió, dẫn nước, điện cũng có thể bị phá hỏng.
Nghiêm trọng hơn, bụi núi lửa khi chui vào động cơ có thể gây hỏng hóc, ăn mòn các bộ phận, khiến một phần hoặc toàn bộ ống dẫn nhiên liệu bị tắc.
Tro bụi núi lửa chứa những hạt nhỏ có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn nhiệt độ bên trong động cơ máy. Trong quá trình bay, những hạt bụi này sẽ lập tức tan chảy nếu chúng đi qua động cơ. Khi qua tuabin, chúng sẽ làm giảm nhiệt độ và dính chặt vào van tuabin, cản trở áp lực của dòng nhiên liệu.
Chuyện tồi tệ nhất có thể xảy ra khi dòng áp lực nhiên liệu bị rối loạn, động cơ sẽ ngừng hoạt động
Liệu có thể nhận ra khói bụi núi lửa?
Cũng theo Cục Địa chất Mỹ, mỗi năm có hàng triệu hành khách bay qua các khu vực núi lửa hoạt động như ở Iceland và phía Bắc Thái Bình Dương. Nơi đây có hơn 100 núi lửa đang hoạt động và gây ra 4-5 vụ phun khói bụi mỗi năm.
Khi radar thời tiết không thể xác định được khói bụi núi lửa, phi công phải dựa vào thông tin dự báo phun núi lửa trong suốt hành trình.
Hiện có 9 trung tâm tư vấn bụi núi lửa (VAAC) được các tổ chức quốc tế cho phép cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên môn cho các cơ quan khí tượng quốc gia về việc xác định và dự đoán dòng di chuyển của bụi núi lửa.
Đã có tai nạn chết người nào chưa?
Cho đến nay vẫn chưa có tai nạn chết người xảy ra, song có rất nhiều máy bay đã rơi vào giữa các đám bụi núi lửa trong nhiều năm qua và cũng có một vài tai nạn suýt gây thương vong.
Tối 24/6/1982, chiếc Boeing 747 của hãng hàng không British Airways do cơ trưởng Eric Moody điều khiển trên hành trình từ London tới Aukland đã gặp đám tro bụi bốc lên từ núi lửa Galunggung trên đảo Java của Indonesia. Cả bốn động cơ máy bay đều bị hư hại. Phi hành đoàn phải cho phi cơ lượn (bay không động cơ) một chặng đường dài để thoát khỏi đám mây bụi, trước khi các động cơ hoạt động trở lại. Họ chuyển hướng và hạ cánh an toàn ở Jakarta.
Người ta vẫn luôn nhớ đến lời nói bình tĩnh của phi cơ trưởng Eric Moody khi sự cố xảy ra.
“Thưa các quý khách, cơ trưởng xin thông báo. Chúng ta có một vấn đề nhỏ. Cả bốn động cơ đã ngừng hoạt động. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để kiểm soát tình hình. Tôi tin tưởng các quý khách sẽ không quá căng thẳng”, ông nói.
Vào một ngày trong tháng 12/1989, chuyến bay KLM 867 từ Amsterdam, Hà Lan tới thành phố Anchorage, bang Alaska, Mỹ đã bay vào một đám mây mù trông rất bình thường. Sau đó họ nhận ra đó là đám mây tro bụi phun ra từ núi lửa Redoubt thuộc dãy Aleutian. Các phi công đã nỗ lực hết sức để vượt qua đám mây, nhưng cả bốn động cơ của chiếc Boeing 747 trục trặc ngay sau khi hệ thống điện dự phòng bị hỏng.
Cuối cùng phi hành đoàn khởi động lại được hai động cơ cùng một lúc và máy bay hạ cánh an toàn ở Anchorage, dù kính chắn gió, hệ thống động cơ bên trong, và hệ thống điện của máy bay bị hư hại nặng.