Bụng cá voi chết trên biển châu Âu chứa đầy rác

Hàng chục con cá voi và cá nhà táng chết trên biển châu Âu, trong bụng chứa đầy móc câu, mảnh lưới đánh cá, thậm chí cả vỏ nhựa bọc động cơ ô tô.

Móc câu, lưới đánh cá dài 13 m, vỏ nhựa bọc động cơ ô tô dài 70 cm... chỉ là số ít trong các loại rác thải người ta tìm thấy trong bụng những con cá nhà táng chết trên vùng biển phía bắc nước Đức.

Sự thật bàng hoàng

Theo Counter Current News, chỉ trong vài tháng đầu năm, 13 con cá nhà táng đã liên tục mắc cạn và chết trên bờ biển bang Schleswig-Holstein (Đức). Cùng thời điểm đó, số lượng những con cá này bị trôi dạt vào bờ biển ở các nước Anh, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch cũng lên tới 30. Tất cả đều là cá nhà táng đực ở độ tuổi từ 10-15, nặng 12-18 tấn.

Vườn Quốc gia Wadden Sea ở Schleswig-Holstein cho hay sau khi tiến hành mổ khám nghiệm những con cá chết ở Đức, các nhà nghiên cứu phát hiện ra bốn trong số đó chứa khối lượng lớn rác thải trong dạ dày. Lượng rác này bao gồm một chiếc lưới đánh cá dài 13 m, một vỏ nhựa bọc động cơ ô tô và mảnh vỡ của một chiếc xô nhựa. Những vật thể này có thể là vô tình hoặc do chúng nhầm tưởng là con mồi và nuốt vào.


Hàng chục con cá nhà táng bị mắc cạn và chết trên vùng biển các nước châu Âu như Đức, Anh, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch. (Ảnh: Indiatimes)

Đi tìm lời giải cho cái chết của cá nhà táng

Tuy nhiên, các nhà khoa học giải thích rác thải không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc cá nhà táng bị mắc cạn và chết. Viện trưởng Viện nghiên cứu động vật hoang dã và thủy sản tại Đại học Thú y Hannover - bà Ursula Siebert cho biết, số cá này chết do bị suy tim khi lạc vào vùng nước nông.

Thông thường, cá nhà táng đực di chuyển từ khu vực sinh sản nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới đến vùng biển lạnh ở các vĩ độ cao hơn. Đây là một trong những loài động vật lặn sâu nhất trong số động vật biển có vú. Khi tìm kiếm thức ăn, chúng có thể lặn xuống độ sâu tới 1.000 m. Vì vậy, các nhà khoa học dự đoán số cá bị mắc cạn ở vùng biển Bắc Âu đã bị mất phương hướng và lạc vào khu vực này khi đang đi tìm mực ống - thức ăn yêu thích của chúng. Vùng biển không đủ sâu đã khiến cho chúng bị suy tim và chết.


Đoạn lưới đánh cá dài 13 m tìm thấy trong bụng những con vật xấu số. (Ảnh: Indiatimes)

Nguyên nhân sâu xa

Theo WDC (tổ chức phi lợi nhuận bảo tồn cá voi và cá heo), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cá voi bị mắc cạn. Một trong số đó là ô nhiễm tiếng ồn từ các tàu và hoạt động khoan khảo sát của con người hoặc thậm chí là những thay đổi rất nhỏ trong từ trường trái đất. Ngoài ra, người ta còn phát hiện trong nội tạng những con cá voi hoa tiêu mắc cạn tại bờ biển Scotland vào năm 2013 chứa hàm lượng lớn chất độc gây nên bởi tình trạng ô nhiễm đại dương. Khi chất độc ngấm vào trong cơ thể, nó khiến cá voi bị stress, dẫn đến việc chúng không còn khả năng định vị và mất phương hướng. Mặc dù vậy, hiện các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận chính xác về việc tại sao lại xảy ra hiện tượng hàng loạt cá mắc cạn gần đây.

Bà Ursula Siebert cho biết thêm, những con cá voi mắc cạn may mắn thoát chết cũng có rất ít cơ hội sống sót bởi lượng rác thải trong bụng sẽ phá hủy và gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho hệ tiêu hóa của chúng. Ngoài ra, dạ dày chứa đầy rác cũng khiến cho cá voi luôn có cảm giác đầy bụng, từ đó dẫn đến việc kém ăn. Dần dần, chúng sẽ bị suy dinh dưỡng và chết.

Mặc dù rác thải không gây ra cái chết ngay lập tức đối với loài cá voi, đây là lời cảnh báo cho tình trạng ô nhiễm biển cũng như ô nhiễm môi trường đáng báo động. "Những mảnh vụn nhựa trong dạ dày của những con cá xấu số là bản cáo trạng khủng khiếp cho tội ác của con người", Hal Whitehead, nhà nghiên cứu cá voi tại Đại học Dalhousie ở Nova Scotia, Canada phát biểu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất