Bước đi đột phá trong kỹ thuật cấy ghép tĩnh mạch
Ngày 14/6, các bác sỹ trường Đại học Gothenburg ở Thụy Điển cho biết họ đã cấy ghép thành công tĩnh mạnh nuôi từ chính tế bào gốc của bệnh nhân cho một bé gái 10 tuổi.
Thành công đầu tiên trong kỹ thuật cấy ghép tĩnh mạch kiểu này là một bước đột phá, mang lại hy vọng cho những bệnh nhân có tĩnh mạch không đủ khỏe để chịu đựng các ca phẫu thuật thẩm tách hoặc phẫu thuật thay tim nhân tạo.
Các bác sỹ lấy một đoạn tĩnh mạch dài 9cm từ một bệnh nhân đề nghị hiến tặng trước khi chết, lấy hết các tế bào sống ra khỏi phần tĩnh mạch này. Sau đó, họ cấy mô tế bào gốc lấy từ tủy xương của bé gái, được chẩn đoán bị tắc tĩnh mạch vận chuyển máu để thải độc trong gan - một căn bệnh có nguy cơ cao dẫn đến tử vong.
Sau 2 tuần nuôi dưỡng đoạn tĩnh mạch trong phòng thí nghiệm, các bác sỹ bắt đầu ghép đoạn tĩnh mạch này cho bệnh nhân, sử dụng kỹ thuật dùng tĩnh mạch nhân tạo.
Dù lúc đầu có một số rối loạn cử động ở chân, song các bác sỹ khẳng định bệnh nhân không có biểu hiện biến chứng và nguồn máu đổ về gan để thải độc đã được khôi phục ngay lập tức.
Hơn nữa, tĩnh mạch được nuôi từ chính tế bào gốc của bệnh nhân nên bé gái không cần sử dụng thuốc để tránh tắc nghẽn tĩnh mạch, như vẫn thường xảy ra đối với những bệnh nhân được cấy ghép tĩnh mạch "ngoại lai".
Hiện bé gái nói trên đã đi bộ được 3km và có thể tham gia một số hoạt động thể thao nhẹ nhàng.
Các tác giả công trình nghiên cứu nói trên cho biết kỹ thuật ghép tĩnh mạch mới có thể cải thiện mạnh chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, do chi phí cao và thời gian tiến hành phẫu thuật kéo dài nên khó trở thành liệu pháp phổ biến ngay lập tức.
Các bác sỹ Đại học Gothenburg đang nghiên cứu để có thể ứng dụng kỹ thuật này một cách rộng rãi. Kết quả ca phẫu thuật của họ đã được đang tải trên tạp chí y học The Lancet của Anh.