Buồng đông lạnh -150 độ C "hồi sinh" các cầu thủ tại EURO?

Các đội bóng sử dụng liệu pháp áp lạnh toàn thân để hỗ trợ cầu thủ hồi phục thể lực sau mỗi trận đấu. Nhưng phương pháp này hoạt động như thế nào và có thực sự hiệu quả?

Các cầu thủ Anh xếp hàng trước một chiếc xe tải lưu động để chờ trị liệu bằng phương pháp làm lạnh cơ thể (cryotherapy). Những người đã kết thúc quá trình trị liệu trong 150 giây này có vẻ tươi tỉnh hơn.

"Về mặt thể chất, tôi luôn cảm thấy khỏe hơn. Tôi không chắc liệu nó có giúp hồi phục tâm trí bằng cách làm lạnh không, nhưng tôi luôn cảm thấy thực sự sảng khoái", tiền vệ Jude Bellingham cho biết.

Liệu pháp áp lạnh toàn thân (Whole-Body Cryotherapy, viết tắt: WBC) liên quan đến việc tiếp xúc toàn bộ cơ thể với nhiệt độ cực lạnh, thường dao động từ -200°F đến -250°F (-130°C đến -150°C) trong khoảng thời gian 2-3 phút. Trong một buổi WBC, người chơi thường chỉ mặc quần đùi, có thể đeo găng tay, khẩu trang và đứng trong một buồng kín với nhiệt độ được hạ xuống nhanh chóng.

Vấn đề thể lực ở EURO

Liệu pháp làm lạnh được ca ngợi là một công cụ giúp cơ thể vận động viên phục hồi nhanh, giảm viêm cơ và đau nhức. WBC được cho có thể rút ngắn thời gian phục hồi chấn thương và làm tăng sức mạnh cơ bắp, năng lượng của người chơi.

Theo trang web của nhà sản xuất CryoLabs, phương pháp này đã được "chứng minh là có thể khởi động quá trình phục hồi sau khi tập luyện". "Các phương pháp điều trị này kích thích lưu thông máu, giảm sưng và giảm đau cơ, do đó bạn có thể nhanh chóng lấy lại phong độ thi đấu".

Tại EURO 2024, H‌LV Gareth Southgate thừa nhận đội tuyển Anh có những "hạn chế" về mặt thể lực khiến họ không thể pressing tầm cao. Trong khi giấc ngủ và dinh dưỡng được coi là yếu tố then chốt giúp cầu thủ hồi phục giữa các trận đấu, liệu pháp áp lạnh toàn thân cũng được áp dụng với 26 cầu thủ trong 3 tuần qua.


Buồng đông lạnh giúp hồi phục thể lực cho các vận động viên.

Chiếc xe tải chở buồng đông lạnh đã chạy 1.126km từ Poole, Dorset, đến khu nghỉ dưỡng ở Blankenhain, nơi đội tuyển Anh dựng trại huấn luyện.

Ngoài Tam sư, đội tuyển Tây Ban Nha cũng áp dụng WBC trong quá trình giúp cầu thủ hồi phục sau mỗi trận đấu tại EURO năm nay.

Liệu pháp áp lạnh toàn thân xuất hiện lần đầu tiên trong bóng bầu dục, trước khi lan sang các môn thể thao khác.

Với bóng đá, phương pháp này ngày càng phổ biến và dần thay thế biện pháp ngâm nước đá truyền thông, nơi cầu thủ ngâm mình trong nước đá 10-20 phút để giảm đau mỏi cơ bắp sau trận đấu. Nhiều CLB lớn ở châu Âu như Manchester City hay Liverpool cũng đã ứng dụng liệu pháp này với hy vọng cầu thủ phục hồi nhanh hơn giữa lịch thi đấu dày đặc trong vài năm qua.

So với tắm đá, liệu pháp áp lạnh toàn thân tốn kém nhưng nhanh, hiệu quả, thuận tiện, dễ chịu hơn.

Cần thêm nghiên cứu

Tuy nhiên, tiến sĩ James Malone, giảng viên cao cấp về khoa học huấn luyện tại Đại học Liverpool Hope, cho rằng vẫn cần nghiên cứu nhiều hơn về những tác động lâu dài của WBC. Theo ông Malone, không nên "thần thánh hóa" WBC và việc sử dụng thường xuyên phương pháp điều trị nhiệt độ cực lạnh này cần phải được đánh giá lại.

Trong gần hai mùa giải, ông Malone đã theo dõi một nhóm gồm 16 cầu thủ Premier League. Mặc dù các cầu thủ được chia thành ba nhóm - tiếp xúc với nhiệt độ thấp, trung bình và cao của buồng lạnh - nhưng thực tế không có sự khác biệt nào về tỷ lệ phục hồi của người chơi.

Tiến sĩ Malone cho biết châm ngôn "càng nhiều càng tốt" có thể không đúng khi nói đến WBC, vì liều cao hơn không mang lại lợi ích bổ sung nào.


Liệu pháp áp lạnh toàn thân được giới thể thao ưa chuộng.

Liệu pháp áp lạnh toàn thân chưa được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) chứng nhận vì các buồng đông không phải thiết bị y tế và phương pháp này không giúp điều trị bất kỳ chứng bệnh nào. Việc tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ thấp có thể dẫn đến chứng tê cóng. Những người đang mang thai hoặc bị huyết áp cao được khuyến cáo không nên sử dụng liệu pháp này.

"Liệu pháp áp lạnh chắc chắn khiến bạn bị sốc và tăng adrenaline (là một loại hormone được tạo ra từ tuyến thượng thận và giải phóng vào máu, có tác dụng trên hoạt động của thần kinh giao cảm). Nhưng về mặt y khoa, không có ý nghĩa gì cả", Houman Danesh, chuyên gia quản lý cơn đau tại Bệnh viện Mount Sinai, cho biết.

Joe Costello, cộng sự nghiên cứu cấp cao về y học thể thao tại Đại học Portsmouth, nói thêm: "Có rất ít bằng chứng chứng minh tính hiệu quả của WBC".

Nghiên cứu năm 2014, Costello là đồng tác giả, kết luận rằng liệu pháp áp lạnh toàn thân "gây ra sự giảm nhiệt độ mô tương đương hoặc ít hơn đáng kể so với các phương pháp làm lạnh truyền thống", bao gồm chườm đá hoặc tắm nước lạnh.

Một nghiên cứu năm 2007 phát hiện ra rằng các vận động viên tắm nước lạnh sau khi chạy bộ sẽ cảm thấy ít đau nhức hơn, nhưng nó không có tác dụng làm giảm tổn thương cơ.

"Liệu pháp áp lạnh toàn thân cũng không tuân theo một giao thức rõ ràng nào về thời gian tối ưu và nhiệt độ buồng lý tưởng vì vẫn còn thiếu nghiên cứu. Tôi không nói là nó không hiệu quả. Ý của tôi là cần phải có thêm bằng chứng khoa học", Costello cho hay.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất