Cá heo dạt vào bờ, sơ cứu ra sao?
Nếu gặp cá heo, cá voi dạt vào bờ, bạn có biết cách sơ cứu chúng?
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Vũ Long - người thành lập Mạng lưới thú biển Việt Nam, chia sẻ 6 bước cần thiết để sơ cấp cứu cá heo một cách khoa học, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và sức khỏe con vật.
Hai nhân viên cứu hộ giải cứu cá heo. (Ảnh: Storyful).
Theo đó nhóm cứu hộ "dã chiến" cần 6 người phụ trách các công việc:
- Bảo vệ lỗ thở (trên đỉnh đầu) và mắt con vật, không để nước và dị vật như đất cát lọt vào. Chú ý hướng mắt cá heo hướng về biển, tránh đám đông gây stress.
- Tưới nước giữ ẩm cho da cá heo hoặc đào lỗ trên cát, dùng hồ bơi di động chứa cá heo, dùng nệm/khăn lót hờ phía dưới bụng cá heo có tác dụng nâng đỡ, giảm trọng lực tác động lên vây hai bên và các cơ quan nội tạng.
- Kiểm soát đám đông tò mò vây quanh con cá đang yếu và dễ stress.
- Xác định vết thương hở có hay không, liên hệ bác sỹ thú y, chuyên gia gần đó.
- Liên hệ với các chuyên gia để nhanh chóng định danh, xác định độ tuổi con vật, từ đó có các giải pháp cung cấp dinh dưỡng phù hợp (với con lớn có thể cho ăn cá nhỏ, con non chỉ nên cho uống nước pha đường, không nên tùy tiện cho uống sữa dê, bò).
- Trong trường hợp di chuyển, không cầm đuôi kéo rê cá heo, không nắm kéo 2 vây bên để tránh các tổn thương lâu dài như gãy sụn, trật xương sống đuôi, trật khớp vai… Nên dùng cáng khiêng hoặc đặt con vật lên tấm chăn lớn để di chuyển.
Lưu ý: các bước cứu hộ trên chỉ được thực hiện khi con cá đã quá yếu, liên tục dạt vào bờ, không thể tự bơi về biển.
Làm sao biết cá heo/cá voi chết hẳn? Tùy loài và tùy độ tuổi, cá heo, cá voi có chu kỳ thở từ 1 phút đến 30 phút. Không thể chỉ dựa vào nhịp tim mà xác định cá heo chết hay chưa, đôi khi con quá yếu sẽ thở khẽ và chậm hơn… Chú ý lỗ thở của cá heo để xác định tình trạng.