Cá lia thia xiêm lấy hơi khi giao chiến
Tạp chí Comparative Biology and Physiology vừa công bố nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Úc cho thấy cá lia thia xiêm có thể thở trên mặt nước bên cạnh cách thở truyền thống bằng mang và da như đồng loại.
Tiến sĩ Steven Portugal tại Học viện Thú y Hoàng gia Anh ở London cùng các cộng sự tại Đại học Queensland (Úc) đã dàn cảnh trận chiến giả, cho 2 con cá lia thia xiêm (Betta splendens) ở 2 chiếc bình trong suốt cạnh nhau trong phòng thí nghiệm.
Cá lia thia có thể lên mặt nước lấy hơi khi giao chiến - (Ảnh BBC)
Qua đó, họ phân tích không khí trong bình trước và sau trận đấu để tìm hiểu cách huy động sức lực và cách thở của chúng khi giao chiến.
Để duy trì sức lực trong trận đấu, các nhà khoa học nhận thấy cá lia thia xiêm đực thường bơi lên hớp không khí trên mặt nước để lấy oxygen cho cơ thể.
Theo tiến sĩ Steven Portugal, “dường như đôi mang nhỏ do sống trong nước có mức độ oxy hóa thấp, không đủ cho cá lia thia kham nổi trận đấu mãnh liệt nên chúng cần thêm khí thở”.
Một đặc điểm khác là hai con cá đang giao chiến thường lên mặt nước hớp không khí thật nhanh cùng lúc vì cả hai đều không muốn tạo cơ hội tốt cho đối thủ tấn công. Tuy nhiên, nguy cơ bị tấn công cũng có thể rơi đúng vào lúc đang bơi lên hoặc bơi xuống khỏi mặt nước để tiếp tục trận đấu.
Cá lia thia xiêm hoang thường sống trong ao, đầm và ruộng lúa nước tại nhiều vùng Đông Nam Á. Khả năng có thể thở bằng mang và da đồng thời lấy thêm không khí trên mặt nước là điểm đặc trưng của nhóm cá có tên khoa học là Anabantodei.