Cá mập dài 20 mét tuyệt chủng vì biến đổi khí hậu

Đại dương lạnh đi do biến đổi khí hậu kéo theo sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật, trong đó có loài cá mập lớn nhất.

Nhà khoa học Catalina Pimiento ở Đại học Zurich, Thụy Sĩ trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution cho rằng loài cá mập lớn nhất từng sống trên Trái Đất bị tuyệt diệt do biến đổi khí hậu, Newsweek ngày 26/6 đưa tin.

Sát thủ săn mồi thống trị đại dương cổ đại này có tên là Carcharocles megalodon, có thể đạt chiều dài gần 20 mét, hàm rộng gần 3 mét, sống cách đây 23 triệu năm tới cuối thế Pliocen (khoảng 2,6-5,3 triệu năm trước) và bị xóa sổ trong một sự kiện tuyệt chủng toàn cầu làm 36% động vật lớn của đại dương biến mất.


Hình ảnh về loài cá mập khổng lồ từng sống trên Trái Đất. (Đồ họa: Newsweek).

Nhiều năm qua, các nhà khoa học cho rằng điều kiện môi trường thay đổi, sự giảm sút con mồi lẫn sự xuất hiện của những kẻ săn mồi mới trong đại dương dường như đều có vai trò trong việc loài cá mập này bị tuyệt chủng.

Phân tích dữ liệu hóa thạch từng được công bố của thời kỳ này, các nhà khoa học nhận thấy khí hậu thế giới biến đổi cực lớn ở cuối thế Pliocen. Nhiệt độ toàn cầu và mực nước biển giảm mạnh kéo theo sự thay đổi trên diện rộng của động thực vật. Trong đại dương, nhiều loài tuyệt chủng trong khi những loài khác bắt đầu trỗi dậy.

Nghiên cứu cho thấy sự biến mất của 7 nhóm động vật trên bờ biển kéo theo sự giảm sụt của các giống loài khác. "Chúng tôi nhận thấy những thay đổi ở mực nước biển do sự hình thành băng dẫn đến sự biến mất của các loài ở bờ biển. Theo giả thuyết của chúng tôi, điều này gây ra vụ tuyệt chủng", Pimiento nói.

Các nhà khoa học cho rằng động vật máu nóng đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng cao hơn các loài còn lại. "Nghiên cứu này cho thấy các loài động vật khổng lồ của đại dương dễ bị tổn thương trước những thay đổi môi trường ở quy mô toàn cầu", Pimiento kết luận.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất