Cá nhà táng đực dùng trán húc tình địch và làm chìm thuyền

Bằng mô phỏng máy tính và phân tích dữ liệu về mô và cấu trúc xương, các nhà khoa học đã chứng minh được cá nhà táng dùng trán để húc tình địch và có thể làm chìm những tàu lớn gấp 4-5 lần trọng lượng cơ thể chúng.

Cá nhà táng (Physeter macroceplalus) là loài lớn nhất trong bộ cá voi có răng. Con đực có thể dài tới 16m và nặng 42 tấn, riêng phần đầu của nó chiếm 1/3 chiều dài toàn cơ thể.

Theo Live Science, trong lịch sử có nhiều trường hợp cá nhà táng làm chìm tàu, có tàu nặng tới 216 tấn gấp 4-5 trọng lượng của chúng. Bảo tàng cá voi New Bedford ở Masachusetts, Mỹ, miêu tả bốn lần cá nhà táng tấn công thuyền săn trong giai đoạn từ năm 1820 đến 1902.


Cảnh săn cá nhà táng lấy dầu ở thế kỷ 19. (Ảnh: Biodiversity Heritage Library).

Owen Chase, một thợ săn cá voi vào thế kỷ 19, chủ sở hữu của tàu Essex bị đắm năm 1820, đưa ra giả thuyết rằng cá nhà táng dùng trán như vũ khí để chiến đấu giành bạn tình và nghiền nát tàu săn thành mảnh vụn.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí PeerJ ngày 5/4, bằng cách sử dụng mô phỏng máy tính dựa trên những nguyên lý kỹ thuật kết cấu và phân tích dữ liệu về mô và cấu trúc xương, các nhà khoa học đã dựng mô hình những tác động lên đầu cá nhà táng, bằng nhiều loại lực và từ nhiều hướng khác nhau.

Sau đó họ đánh giá cách lực được hấp thụ và phân tán bởi hai túi dầu lớn đặt chồng lên nhau trong đầu cá nhà táng: phần phía trên là cơ quan chứa dầu cá nhà táng (spermaceti) có chức năng tạo âm thanh, phần "rác" nằm dưới – chủ yếu là mô liên kết giúp định vị tiếng vang. Phần dưới được gọi là "rác" vì chứa dầu không có giá trị và thường bị những thợ săn cá voi vứt đi.

Do cấu trúc đặc biệt, các vùng mô ở phần "rác" phân tán đáng kể lực tác dụng, do đó có thể bảo vệ xương sọ của cá nhà táng khi có va chạm.

"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng lợi thế cơ học trong cấu trúc 'rác' có thể là kết quả của chọn lọc thông qua tập tính cạnh tranh hung dữ giữa những con đực", giáo sư Olga Panagiotopoulou, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. Hành vi húc, nện khá phổ biến ở nhiều loài động vật, đặc biệt là ở con đực khi tranh giành bạn tình.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất