Ca ung thư cổ xưa nhất từng ghi nhận ở người
Bằng chứng sớm nhất về ung thư ở người thuộc về một cá thể sống cách đây khoảng 1,7 triệu năm với khối u ác tính trong xương ngón chân.
Ung thư nghe có vẻ giống một căn bệnh thời hiện đại, nhưng thực chất đã ảnh hưởng tới con người từ rất lâu, Live Science hôm 8/5 đưa tin. Các nhà khoa học đã tìm được nhiều hài cốt người tiền sử cho thấy sự hiện diện của ung thư. Vậy, trường hợp ung thư cổ xưa nhất từng ghi nhận là gì?
Trường hợp ung thư cổ xưa nhất từng ghi nhận xảy ra cách đây 1,7 triệu năm với khối u ở xương ngón chân của một cá thể có họ hàng với người hiện đại. (Ảnh: Patrick Randolph-Quinney/UCLAN),
Bằng chứng sớm nhất về ung thư ở người thuộc về họ hàng của người hiện đại sống cách đây khoảng 1,7 triệu năm. Cá thể này nhiều khả năng thuộc loài Paranthropus robustus hoặc Homo ergaster, phải sống với khối u ác tính ở xương ngón chân trái. Các nhà khảo cổ phát hiện bộ xương trong hang Swartkrans, một mỏ đá vôi ở Nam Phi thường được gọi là "Cái nôi của loài người" vì là nơi tập trung các hài cốt họ hàng của người hiện đại lớn nhất thế giới.
Khi so sánh ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) của hóa thạch xương ngón chân với hình ảnh ngày nay của các trường hợp osteosarcoma (một dạng ung thư bắt đầu từ các tế bào hình thành xương), các nhà nghiên cứu lập tức nhận ra hình dạng giống như súp lơ đặc trưng của u xương ác tính, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí South African Journal of Science năm 2016.
Ngày nay, osteosarcoma là một trong những bệnh ung thư xương phổ biến nhất ở người và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, dù thường gặp nhất ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. Cá thể mắc ung thư trong hang Swartkrans chưa được xác định tuổi, nhưng có vẻ đã trưởng thành.
Theo một nghiên cứu khác trên tạp chí South African Journal of Science năm 2016, các chuyên gia phát hiện một khối u lành tính thậm chí còn cổ xưa hơn ở một cá thể thuộc loài Australopithecus sediba, họ hàng của con người 1,9 triệu năm trước.
Không ngạc nhiên khi trường hợp ung thư cổ xưa nhất từng ghi nhận là ở xương vì các cơ quan, da và mô mềm khác dễ bị phân hủy hơn xương. "Xương là một trong số ít các mô có thể tồn tại trong hồ sơ hóa thạch", Bruce Rothschild, nhà nghiên cứu cổ sinh vật có xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie, cho biết.
Tuy nhiên, kể cả khi hóa thạch có ung thư, các nhà khoa học thường không thể thấy bằng mắt thường mà cần kiểm tra thêm để xác định. Trường hợp ung thư xương ngón chân nói trên cũng vậy.
"Khoảng 1/3 trường hợp ung thư sẽ tự bộc lộ. Nhưng bạn cần tiến hành chụp X-quang để xác định xem có gì ẩn bên trong xương hay không. Khi liên quan đến xương, đa số nhà nghiên cứu bệnh học ngày nay đều xem ảnh X-quang trước khi đưa ra chẩn đoán về khối u", Rothschild cho biết.
Trường hợp ung thư sớm nhất được biết đến ở tông Người (Hominin) xảy ra cách đây 1,7 triệu năm, nhưng bản ghi chép đầu tiên về bệnh ung thư rất lâu sau mới xuất hiện. Năm 3000 trước Công nguyên, Imhotep - nhà toán học, bác sĩ và kiến trúc sư Ai Cập cổ đại - đã viết Giấy cói Edwin Smith, một cuốn "sách giáo khoa" về chấn thương cơ thể và các quy trình phẫu thuật.
Trong tài liệu này, ông trình bày chi tiết 48 trường hợp y tế, bao gồm một số trường hợp nghiên cứu về ung thư vú. Giấy cói Edwin Smith không chỉ mang đến thông tin về cách người Ai Cập cổ đại phẫu thuật hàng nghìn năm trước mà còn cung cấp một số bằng chứng cổ xưa nhất về ung thư.
- Dinh dưỡng cho người bệnh ung thư - Những quan niệm sai lầm và hệ lụy
- Phát hiện khối ung thư da nhỏ nhất thế giới
- Tàu vũ trụ cách Trái đất 23 tỷ km đang làm gì?