Cá voi lập kỷ lục bơi qua 3 đại dương để tìm bạn tình

Một con cá voi lưng gù (Megaptera novaeangliae) đực bơi 13.046km từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương để tăng cơ hội giao phối, lập kỷ lục mới về quãng đường di cư.

Hành trình của con cá voi là quãng đường dài nhất theo cung vòng tròn giữa hai lần quan sát mà giới nghiên cứu từng ghi nhận ở loài này. Quãng đường theo cung vòng tròn chỉ quãng đường ngắn nhất giữa hai điểm trên Trái Đất đo trên bề mặt hình cầu của hành tinh. Bắt đầu ngoài khơi Colombia phía đông Thái Bình Dương và kết thúc ngoài khơi Zanzibar ở tây nam Ấn Độ Dương, hành trình của con cá voi kéo dài 13.046 km qua địa cầu.


Cá voi lưng gù có thể dài tới 18 m và nặng 40 tấn. (Ảnh: Mike Korostelev)

Cá voi lưng gù nhiều khả năng bơi theo hướng đông từ Colombia, nương theo dòng hải lưu ở Nam Đại Dương và có khả năng gặp gỡ quần thể cá voi ở Đại Tây Dương, theo Ted Cheeseman, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Southern Cross tại Australia kiêm giám đốc của Happywhale, cơ sở dữ liệu hình ảnh mà nhóm nghiên cứu dùng để thu thập bằng chứng.

"Đây là một phát hiện rất thú vị đến mức phản ứng đầu tiên của chúng tôi là chắc chắn có lỗi gì đó", Cheeseman chia sẻ. Cùng với quãng đường đáng kinh ngạc, một trong những phát hiện quan trọng nhất từ nghiên cứu là con cá voi ghé qua vài quần thể cá voi lưng gù dọc đường.

Cá voi lưng gù thường bơi theo mô hình di cư thống nhất, di chuyển giữa địa điểm kiếm ăn ở vùng biển lạnh gần các cực và nơi sinh sản gần vùng nhiệt đới hơn. Chúng có thể bơi hơn 8.000 km theo hướng bắc - nam mỗi năm, nhưng thường không di chuyển xa theo hướng đông - tây và không hòa lẫn vào quần thể khác.

Hành trình vượt đại dương mà nhóm nghiên cứu quan sát cho thấy hoạt động di cư của cá voi lưng gù phức tạp hơn so với suy đoán trước đây. Dù các nhà khoa học đôi khi ghi nhận hành trình di cư tương tự trường hợp một con cá voi lưng gù cái bơi 9.800 km từ Brazil tới Madagascar giữa năm 1999 và 2001, con đực trong nghiên cứu mới lập kỷ lục về khoảng cách trong khi di chuyển từ nơi sinh sản này tới nơi khác, theo trưởng nhóm Ekaterina Kalashnikova, nhà sinh vật học làm việc trong Chương trình cá voi Tanzania và Trung tâm nghiên cứu khoa học Barazuto ở Mozambique.

Phát hiện công bố hôm 10/12 trên tạp chí Royal Society Open Science dựa trên ảnh chụp mà các nhà nghiên cứu ghi lại từ năm 2013 đến năm 2022. Những bức ảnh cho thấy con cá voi đực trưởng thành xuất hiện ở hai địa điểm ngoài khơi Colombia và 5 năm sau ở eo biển Zanzibar, mỗi lần với một nhóm cạnh tranh (bao gồm một con cá voi cái bị canh giữ chặt chẽ bởi một con đực chủ chốt và nhiều con đực khác tìm cách tiếp cận nó), theo Kalashnikova.

Động lực của hành trình có thể là giao phối, con cá voi đực đang tìm cách tăng cơ hội sinh sản bằng cách hòa lẫn vào các thành viên của quần thể khác. Lý do khác phía sau hành trình khác thường của nó có thể liên quan tới thay đổi môi trường ảnh hưởng đến sự phân bố thức ăn, biến đổi khí hậu và sự phát triển trong quần thể dẫn tới tăng cạnh tranh giữa những con đực.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất