Cá voi sát thủ đội xác cá hồi khiến các nhà khoa học bối rối
Cá voi sát thủ ngoài khơi bang Washington đội xác cá hồi trên đầu như cách đây hàng chục năm nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết rõ tại sao chúng làm vậy.
Cá voi sát thủ ở tây bắc Thái Bình Dương bắt đầu đội mũ cá hồi trở lại, hồi sinh tập tục kỳ lạ được mô tả lần đầu tiên vào thập niên 1980. Tháng trước, các nhà khoa học và du khách ngắn cá voi trông thấy cá voi sát thủ (Orcinus orca) ở eo biển South Puget và ngoài khơi mũi Point No Point ở bang Washington bơi với xác cá hồi trên đầu, Live Science hôm 27/11 đưa tin.
Cá voi sát thủ bắt đầu lại xu hướng đội xác cá hồi trên đầu. (Ảnh: Tory Kallman).
Đây là lần đầu tiên chúng đội món phụ kiện lạ lùng này kể từ mùa hè năm 1987, khi một con cá voi sát thủ cái ở bờ Tây khởi đầu hành vi mà chưa rõ lý do. Trong vòng hai tuần, những thành viên còn lại trong đàn cũng bắt chước nó, biến xác cá hồi thành phụ kiện thời trang đồng bộ, theo tổ chức từ thiện bảo tồn biển ORCA, tuy nhiên, giới nghiên cứu chưa rõ liệu điều tương tự có xảy ra lần này hay không.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cá voi sát thủ đội mũ cá hồi có thể từng tham gia xu hướng khi nó xuất hiện lần đầu tiên cách đây gần 40 năm. "Có khả năng một số cá thể từng thực hiện hành vi lần đầu đã làm lại lần nữa", Andrew Foote, nhà sinh thái học tiến hóa ở Đại học Oslo tại Na Uy, cho biết.
Động lực phía sau xu hướng đội mũ cá hồi vẫn là điều bí ẩn, theo Deborah Giles, nhà nghiên cứu cá voi sát thủ ở Đại học Washington. Mũ cá hồi là ví dụ hoàn hảo về "fad", hành vi khởi nguồn từ 1 - 2 cá thể và được đón nhận tạm thời bởi những thành viên khác trước khi bị lãng quên. Vào thập niên 1980, xu hướng này chỉ kéo dài một năm. Tới mùa hè năm 1988, mũ cá hồi biến mất ở quần thể cá voi sát thủ ở bờ Tây.
Giới nghiên cứu suy đoán hành vi đội mũ cá hồi nhiều khả năng liên quan tới mức độ sẵn có của thức ăn. Eo biển South Puget hiện nay đầy rẫy cá hồi chó (Oncorhynchus keta). Với quá nhiều thức ăn để ăn tại chỗ, cá voi sát thủ có thể tiết kiệm cá để ăn sau đó bằng cách đội thăng bằng trên đầu.
Cá voi sát thủ cũng được bắt gặp tích trữ thức ăn ở nơi khác. Giles và cộng sự từng chứng kiến cá voi sát thủ mang những miếng thức ăn lớn dưới vây ngực và kẹp chặt bên thân. Cá hồi có thể quá nhỏ để giữ chặt dưới vây ngực, thay vào đó chúng đã chọn cách đội trên đầu.
Drone trang bị camera có thể giúp các nhà nghiên cứu theo dõi cá voi sát thủ đội mũ cá hồi theo cách khả thi hơn 37 năm trước. Theo thời gian, nhóm của Giles có thể thu thập đủ thông tin hé lộ một cá thể mang xác cá bao lâu trước khi ăn. Nhưng giả thuyết về tính sẵn có của thức ăn có thể sai nếu thước phim hé lộ cá voi sát thủ bỏ không ăn cá hồi.
- Video: Đàn cá voi sát thủ tấn công cá voi khổng lồ
- Sợ điếng người cảnh 2 cá voi sát thủ 6 tấn lao về phía cậu bé đang bơi
- Cá voi xám mẹ bất lực nhìn đàn cá voi sát thủ tách con ra để ăn thịt