Các chuyên gia xác định năm xây mộ Chúa Jesus thế nào?
Manh mối từ lớp vôi vữa hé lộ ngôi mộ lưu giữ thi hài Chúa Jesus theo truyền thuyết có niên đại 1.700 năm, vượt xa suy đoán trước đây.
Trong nhiều thế kỷ, nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem trải qua vô số cuộc tàn phá dữ dội, hỏa hoạn và động đất. Nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn năm 1009 và được xây lại sau đó, khiến các học giả thời gian hoài nghi liệu đây có thể là nơi chôn cất Chúa Jesus như một đoàn sứ giả La Mã từng nhận định cách đây 17 thế kỷ hay không.
Kết quả từ các kiểm tra khoa học của nhóm chuyên gia thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia xác nhận tàn tích của hang động đá vôi bên trong nhà thờ chính là những gì còn sót lại của ngôi mộ mà người La Mã cổ đại phát hiện.
Điện thờ Edicule được xây trùm bên trên mộ Chúa Jesus. (Ảnh: Newsweek).
Mẫu vôi vữa lấy từ giữa mặt đá vôi nguyên bản của ngôi mộ và phiến đá cẩm thạch che phủ mộ có niên đại vào khoảng năm 345. Theo các ghi chép lịch sử, ngôi mộ được người La Mã phát hiện và xây điện thờ bao trùm lên trên vào khoảng năm 326. Trước đó, bằng chứng kiến trúc lâu đời nhất tìm thấy ở bên trong và xung quanh quần thể mộ có niên đại từ thời Thập tự chinh, chỉ ra ngôi mộ có niên đại không quá 1.000 năm.
Dù về mặt khảo cổ, các chuyên gia không thể kết luận ngôi mộ thực sự là nơi chôn cất một người Do Thái tên Jesus ở Nazareth, người theo Kinh Tân ước bị hành quyết ở Jerusalem vào năm 30 hoặc 33, kết quả xác định niên đại mới chứng minh ngôi mộ gốc được xây dưới thời Constantine, hoàng đế theo đạo Cơ Đốc giáo đầu tiên của La Mã.
Ngôi mộ được mở lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ vào tháng 10/2016, khi điện thờ bao trùm ngôi mộ mang tên Edicule trải qua đợt tôn tạo toàn diện do nhóm chuyên gia liên ngành đến từ Đại học Công nghệ Quốc gia Athens thực hiện.
Một số mẫu vôi vữa từ nhiều vị trí khác nhau bên trong Edicule được các chuyên gia thu thập vào thời điểm đó để xác định niên đại và kết quả được Antonia Moropoulou, người chỉ đạo dự án tôn tạo Edicule, trình lên Hiệp hội Địa lý Quốc gia.
Khi đoàn sứ giả của Constantine tới Jerusalem vào năm 325 để tìm kiếm ngôi mộ, họ được chỉ chỗ tới một đền thờ La Mã xây dựng trước đó 200 năm. Đền thờ La Mã đã bị phá trụi và các đợt khai quật bên dưới hé lộ một ngôi mộ ăn sâu vào hang động đá vôi. Trần hang được phá đi để lộ phần bên trong ngôi mộ và điện thờ Edicule được xây xung quanh mộ.
Một đặc trưng của ngôi mộ là phiến đá dài hay còn gọi là "giường chôn cất", nơi đặt thi thể Chúa Jesus sau khi Ngài bị hành quyết. Các phiến đá dài và hốc nhỏ tạc từ hang động đá vôi là một đặc điểm phổ biến trong mộ của những người Do Thái giàu có ở Jerusalem thế kỷ 1.
Các chuyên gia nhận định tấm ốp cẩm thạch che phủ "giường chôn cất" được lắp gần nhất vào năm 1555 và nhiều khả năng đã tồn tại ở đó từ giữa thế kỷ 14, theo mô tả của những người hành hương.
Phát hiện lớp bụi dưới phiến đá cẩm thạch che mộ Chúa Jesus. (Video: National Geographic).
Khi ngôi mộ được mở ra vào tối ngày 26/10/2016, các nhà khoa học rất bất nhờ khi tìm thấy một vật nằm dưới tấm ốp cẩm thạch. Đó là một phiến đá cẩm thạch lâu đời hơn bị vỡ khắc hình cây thánh giá, nằm ngay bên trên mặt đá vôi ban đầu của "giường chôn cất".
Một số nhà nghiên cứu suy đoán phiến đá cổ hơn này có thể được đặt lên dưới thời Thập tự chinh, trong khi các học giả khác đưa ra mốc thời gian sớm hơn. Họ cho rằng phiến đá có thể đã tồn tại trước đó và nứt vỡ khi nhà thờ bị phá hủy năm 1009. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định đây là bằng chứng xác thực về điện thờ La Mã được xây lúc đầu.
Kết quả kiểm tra mới giúp giới nghiên cứu kết luận phiến đá bên dưới chắc chắn được phủ vôi vữa để đặt cố định vào thế kỷ 3 - 4 theo lệnh của hoàng đế Constantine.
Lớp vôi vữa giúp các chuyên gia xác định niên đại mộ Chúa Jesus. (Ảnh: National Geographic).
Mẫu vật vôi vữa từ giường đá vôi được phân tích độc lập tại hai phòng thí nghiệm bằng kỹ thuật phát sáng kích thích quang học (optically stimulated luminescence - OSL). Kỹ thuật này giúp tiết lộ thời điểm cuối cùng thạch anh bên trong khối đá nề tiếp xúc với ánh sáng. "Rõ ràng, thời gian đó là cột mốc cho bất kỳ hoạt động nào của hoàng đế Constantine. Điều này rất đáng chú ý", nhà khảo cổ Martin Biddle, người nghiên cứu mộ Chúa Jesus, cho biết.
Báo cáo công bố kết quả kiểm tra sẽ được đăng trong số sắp xuất bản của tạp chí Archaeological Science: Reports. Sau khi hoàn thành công tác bảo tồn, các nhà khoa học hy vọng có thể thay thế tấm ốp đá cẩm thạch bằng một loại vật liệu cho phép khách tham quan chiêm ngưỡng bên trong ngôi mộ.