Các nhà khoa học chưa coi trọng sở hữu trí tuệ
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai quản lý sở hữu trí tuệ trong các trường Đại học còn nhiều bất cập, nhận thức về sở hữu trí tuệ ở cấp học này cũng chưa cao, số lượng sáng chế đăng ký và được cấp bằng còn ít.
Tại Hội thảo về quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ trong trường Đại học, viện nghiên cứu được tổ chức sáng nay bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam và Cơ quan sáng chế Nhật Bản, nhiều đại biểu đánh giá vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ và tập trung vào việc nghiên cứu chuyển giao khoa học, quản lý tài sản trí tuệ ở các đại học.
Tuy nhiên, các nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn còn yếu về thương mại tài sản trí tuệ. Theo tiến sĩ Lê Thị Thu Hà, giảng viên khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Đại học Ngoại thương Hà Nội), số liệu về đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam giai đoạn 2000-2011 tăng dần đều qua các năm khoảng 10%. Tuy nhiên thực chất, số lượng đơn đăng ký do người Việt Nam nộp chỉ chiếm khoảng 6-8% và số bằng sáng chế giảm từ 218 xuống còn 204 đơn.
"Thông thường với mỗi quốc gia, GDP phát triển đồng nghĩa với việc chi cho khoa học cũng nhiều hơn, số bằng sáng chế cũng tăng lên, nhưng ở Việt Nam thì không phải như vậy", tiến sĩ Hà nói.
Các kỹ sư đang chế tạo máy điện thoại. (Ảnh minh họa: Vietnamplus)
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế trên là bởi các trường, viện nghiên cứu đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn kinh phí của nhà nước, chưa huy động được nguồn tài chính khác, đặc biệt là của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Bảy, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng các trường Đại học của Việt Nam chỉ chú ý đến đào tạo là chính, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vẫn còn hạn chế, vì trường thiếu công trình, sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao, tài sản trí tuệ chưa được quản lý và khai thác hợp lý.
"Các giảng viên, nhà khoa học chưa hiểu rõ về giá trị của quyền sở hữu trí tuệ, chưa có bộ phận chuyên trách theo dõi, tư vấn, hướng dẫn bảo đảm quyền lợi cho những người nghiên cứu, nhiều sản phẩm trí tuệ chưa được đăng ký bảo hộ độc quyền hoặc nếu có đăng ký thì việc quản lý, khai thác thương mại cũng hạn chế", ông Bảy nói.
Nguyên nhân sâu xa, theo ông Bảy là do nhận thức về sở hữu trí tuệ tại các trường đại học chưa cao, thể hiện ở việc số lượng sáng chế đăng ký và được cấp bằng còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, việc quản lý tài sản trí tuệ còn yếu thể hiện ở việc nhiều sáng chế được tạo ra từ nhà trường, nhưng nhà trường lại không đăng ký hoặc quản lý mà để cho các cá nhân trong trường đăng ký xác lập quyền và tự động khai thác.
"Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy định về việc quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học, nhưng đến nay hoạt động này ở cấp Đại học vẫn chưa đáng là bao", ông Bảy cho biết
Theo tiến sĩ Hà, Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho việc phát triển thị trường khoa học công nghệ; thành lập văn phòng chuyển giao công nghệ và bộ phận quản lý tài sản trí tuệ ở các trường; phân bổ lợi ích hợp lý từ nguồn thu được từ khai thác thương mại tài sản trí tuệ.
Tại Hội thảo, Cơ quan sáng chế Nhật Bản, Viện Thúc đẩy sáng chế Nhật Bản đã chia sẻ với phía Việt Nam về kinh nghiệm về quản lý, thương mại hóa tài sản trí tuệ ở trường đại học. Theo đại diện của Nhật, nhiệm vụ của các trường Đại học là đào tạo và nghiên cứu khoa học, và nhiệm vụ thứ ba là "đóng góp cho cộng đồng" tức là đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế.
Để làm điều đó, Nhật Bản đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp và trường Đại học. Cụ thể, các công ty và trường sẽ cùng tham gia dự án nghiên cứu. Công ty sẽ giao dự án nghiên cứu cụ thể cho trường. Trường sẽ chuyển giao kết quả nghiên cứu của họ cho công ty hoặc ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng với công ty đó. Bên cạnh đó, trường Đại học cần thành lập các doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu của họ.