Các nhà khoa học đang nghiên cứu cách mở khóa điện thoại bằng sóng não

Nếu được hoàn thiện, phương thức này sẽ có tính hiệu quả và an toàn cao hơn rất nhiều so với bảo mật vân tay hay mống mắt.

Theo Android Authority, một nhóm nhà khoa học đang nghiên cứu việc sử dụng sóng não làm "mật khẩu" sinh trắc học cho các phương thức bảo mật trong tương lai.

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học cho rằng dấu vân tay là "độc quyền", và khả năng hai người có cùng một dấu vân tay gần như là không thể. Đó là lý do vân tay được dùng làm phương pháp bảo mật chính trên smartphone và máy tính trong thời gian qua.


Các nhà khoa học đang nghiên cứu việc sử dụng sóng não làm "mật khẩu" sinh trắc học.

Nhưng điều đó không có ý nghĩa là bạn sẽ an toàn trước tội phạm. Nếu thông tin vân tay của bạn bị thu thập và làm thành vân tay giả, các cảm biến vẫn có thể nhận diện chúng như vân tay thật.

Khi thấy độ bảo mật của vân tay không còn cao, thế giới lại tìm kiếm một phương pháp mạnh mẽ và khó bị đánh lừa hơn. Đó là sóng não, ý tưởng của nhà khoa học mang tên Wenyao Xu.

Làm việc tại Đại học Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Buffalo, Xu đã phát triển loại tai nghe xác định sóng não duy nhất mà một người tạo ra khi nhìn vào các hình ảnh. Trong vài giây, hệ thống sẽ xác thực danh tính người đó và "mở khóa".

Để xác định danh tính, người thử nghiệm được xem các hình ảnh động vật và người nổi tiếng (như Leonardo DiCaprio) chuyển qua chuyển lại nhanh chóng trong 4 lần. 5 tháng sau, họ quay lại để tiến hành thử nghiệm "mật khẩu não bộ". Xu cho biết thử nghiệm mang lại hiệu quả đến 95%.

Hiện tại hệ thống quét sóng não cần đến tai nghe chuyên dụng để hoạt động, khá cồng kềnh nếu bạn chỉ muốn mở khóa điện thoại. Nhưng về lý thuyết, chúng ta đã có thêm một phương pháp bảo mật sinh trắc học rất an toàn cho smartphone hay máy tính.

Xu hy vọng các công ty quan tâm đến bảo mật và quyền riêng tư sẽ sớm công nhận công nghệ này, từ đó có thể tinh chỉnh giúp hoạt động hiệu quả và đỡ phiền phức hơn.

Xu sẽ mang công trình đến MobiSys 2018, hội nghị điện toán di động tổ chức tại Đức bởi Hiệp hội Máy tính.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất