Các nhà khoa học đang thuần hóa cá ngừ vây xanh để có đủ nguyên liệu làm sushi

Phương pháp nuôi trồng hải sản này sẽ cho ta một nguồn cá ngừ vô tận để mà thưởng thức.

Không khí tại cơ sở nuôi cá ngừ đặt tại một thị trấn nhỏ dọc bờ biển của Mazzaron, miền Đông Nam Tây Ban Nha tĩnh lặng tuyệt đối. Không phải nơi đây không diễn ra hoạt động gì, mà là nó vốn phải như thế. Trong cái bể nước lớn, 100 con cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương to bằng quả bóng bầu dục đang cố gắng thích nghi với cái bể nước rộng 22 mét, cao 10 mét. Nếu như chúng giật mình, chúng sẽ sợ hãi mà lao thẳng vào thành bể, gãy xương sống.

Khi giống cá ngừ vây xanh còn non, có tới hàng triệu con chết trong môi trường nuôi nhốt vì lý do trên. Nhưng khi chúng trưởng thành hơn, tỉ lệ sẽ giảm đáng kể. Nhưng vào cái buổi sáng định mệnh mà phóng viên Motherboard đến thăm cơ sở nuôi cá tại Tây Ban Nha, thì anh đã gặp ngay trường hợp một con cá một tuổi lao thẳng vào thành bê tông và chết nổi xác.

"Đây là con cá đầu tiên chết trong 4 tháng trở lại đây đấy", giáo sư Fernando de la Gandara, giám đốc trung tâm nuôi cá, nói giọng cả quyết với ngụ ý rằng chẳng có gì đáng ngại đâu.

Những con cá chưa đến tuổi trưởng thành còn lại trong bể không màng gì tới cái chết của người bạn cùng đàn, tiếp tục bơi thành những vòng vô tận xung quanh bể nước lớn. Bên cạnh là những bể trống, nằm kiên nhẫn đợi chờ những đợt cá nuôi mới.

Từ hồi năm 2003, Viện Hải dương học Tây Ban Nha (IEO) đã cố nuôi trồng cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương, một trong những loài cá được săn đón nhiều nhất trên thị trường. Thông qua việc nuôi loài cá ngừ này từ tấm bé cho tới lúc trưởng thành, IEO nhắm tới việc thương mại hóa loài cá vốn bị đánh bắt quá nhiều ngoài đại dương.

Cho tới nay thì quá trình nuôi cá vẫn còn rất chậm chạp và gặp nhiều trở ngại. Bản thân con cá ngừ vây xanh vốn là một loài săn mồi tuyệt vời và chẳng thể làm quen được với môi trường sống hiền hòa của cái bể nước. Những con trưởng thành có thể to tới kích cỡ của một con bò, lặn cả cây số xuống đáy nước sâu để kiếm ăn và một năm, chúng có thể bơi tới hàng ngàn kilomet. Tuổi thọ một con cá có thể đạt tới 40 năm.

Hình dáng con cá ngừ vây xanh được tự nhiên thiết kế hoàn hảo để trở thành một vận động viên bơi lội. Thậm chí vẻ ngoài cực kì thuận lợi cho thủy động lực học của con cá còn dạy dỗ vài điều cho các kĩ sư thiết kế tàu. Trong một cú bứt tốc, cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương có thể đạt tới 60km/h. Có điều đây lại là một cú bứt tốc chết người trong môi trường kín của cái bể cá.

Việc cá lao đầu vào thành bể mà chết chỉ là một trong vô vàn những khó khăn mà việc nuôi trồng cá gặp phải. Nhưng những nhà đầu tư, những doanh nghiệp bắt tay với IEO lại không lo lắng chuyện đó: những tiềm năng tương lai của việc nuôi cá ngừ vây xanh rất lớn, thực tế là bù đắp được toàn bộ những khó khăn từ năm 2003 cho đến lúc thành công.

Do thịt cá ngừ vây xanh thơm ngon vô cùng, nhu cầu thiêu thụ là cực kì lớn. Có thể thấy ví dụ điển hình tại nước Nhật: 80% cá ngừ bắt lên từ vùng Địa Trung Hải sẽ biến thành đĩa sushi. Sự nổi tiếng của thứ thịt cá ngừ đã khiến nó đối mặt với bờ vực tuyệt chủng. Hiện tại, dù hiện trạng cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương vẫn đang bị tranh cãi, nhưng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế vẫn liệt loài cá này vào diện nguy cấp.

Người ta muốn bảo vệ cá ngừ hoang dã nhưng vẫn muốn đảm bảo cầu của thị trường được đáp ứng, vì thế họ tìm đến việc kiểm soát nguồn cung. Chỉ đơn giản là tự nuôi trồng cá, họ có thể tránh được việc siết chặt quản lý ngành đánh bắt cũng như việc kiềm chế việc tiêu thụ cá ngừ của người dân. Dường như một lượng cá ngừ vây xanh ngon lành, vô tận đúng là cách giải quyết hợp lý nhất cho bài toán khó mang tên bảo tồn.

"Đó là lý do tại sao những tổ chức như EU lại cung cấp vốn cho chúng tôi tiế tục nghiên cứu cũng như cho phép nhập trứng cá ngừ về để nuôi", giáo sư Gandara giải thích. "Ngoài đại dương thì không có đủ cá ngừ để thỏa mãn được thị trường đang đòi hỏi quá nhiều".

Có một cách nuôi cá hồi đơn giản hơn, đã tồn tại ở Địa Trung Hải và nhiều vùng khác từ giữa những năm 90, đó là nuôi theo từng trại lớn. Không như cách thức của IEO, cá trong trại này được bắt từ tự nhiên về rồi thả vào các lồng sát biển từ 2 tới 10 tháng. Khi làm thịt cá, người ta dùng súng phóng lao gắn thuốc nổ bắn vào đầu con cá, bằng cách ấy, con cá sẽ chết ngay mà không trải qua cảm giác sợ hãi - phản ứng sẽ khiến con cá tiết ra những chất làm thịt không con ngon nữa.

Nhưng việc nuôi cá từ lúc còn lá đám trứng cho tới khi trưởng thành sẽ bảo tồn được cá ngừ ngoài tự nhiên, do bỏ qua hoàn toàn việc đánh bắt.

Việc nuôi cá ngừ tốn kém vô cùng, nhưng do nhu cầu mua cực kì lớn, đa phần tới từ nước Nhật, nên giá có thể tới 25 USD cho một kilogram cá đã được moi ruột. "Nỗ lực sản xuất cá ngừ vây xanh xuyên suốt một vòng đời của chúng dựa trên những yêu cầu mà thị trường quốc tế đưa ra", giáo sư Gandara nói. "Người Nhật trả những khoản tiền lớn để mua cá ngừ. Cái giá cao này sẽ duy trì hoạt động nuôi cá đắt đỏ của chúng tôi".

Nước Nhật là nơi có nhu cầu sử dụng thịt cá ngừ cao nhất, nên hiển nhiên việc nuôi trồng cá ngừ bắt đầu đầu tiên tại nơi đây, với loài cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đi trước những người đồng nghiệp Tây Ban Nha của mình khá xa, với một giống cá khác và những cách nuôi cá riêng biệt. Ngay lúc này đây, các công ty Nhật Bản đã bắt đầu những dây chuyền sản xuất cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương từ trứng. Họ đã "đóng được vòng đời của cá" hồi năm 2002.

Thuật ngữ "đóng được vòng đời" được dùng khi việc ngành nuôi trồng thủy sản đến được một mốc cực kì quan trọng: những con cá được sinh ra trong môi trường nuôi nhốt đã đẻ trứng, và trứng của chúng nở ra những con cá khỏe mạnh. IEO đạt được mốc quan trọng trên hồi tháng Bảy năm 2016, sau 13 năm ròng cố gắng.

Đáng tiếc là IEO đã mất phần lớn số cá trong một cơn bão lớn, phá hủy nhiều cơ sở vật chất. Hiện tại, họ đang nuôi cá trong một cơ sở trong nhà, mới mở năm 2015.

Tỉ lệ tử vong của cá ngừ vây xanh trong môi trường nuôi nhốt cho thấy quá trình này chẳng dễ dàng gì. Hiện tại, chỉ 0,5 tới 1% cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương được sinh ra trong khu nuôi trồng và được nuôi lớn tại Trung tâm Murcia sống qua được giai đoạn trứng nước. Tuy nhiên con số ấy vẫn là cao hơn tỉ lệ sống sót ngoài tự nhiên của cá ngừ vây xanh.

Một con cá ngừ chuyên đẻ có thể cho ra hàng triệu quả trứng trong một mùa sinh sản. Nhưng ở ngoài môi trường tự nhiên của biển Địa Trung Hải, đa số trứng sẽ bị đồng loại ăn mất.

Việc ăn thịt đồng loại chính là lý do khiến cá ngừ non không sống sót được quá lâu. Tại khu nuôi trồng, các nhàn ghiên cứu ở IEO tỉ mỉ dùng tay chia trứng ta thành từng cụm với những kích cỡ khác nhau, để cá to không nuốt mất cá bé. Đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo cực cao, do cá ngừ vây xanh non chưa có da, chúng sẽ chết nếu như ta chạm tay vào nó. Các nhà nghiên cứu phải dùng những tấm kính nhỏ và loại lưới riêng biệt để tiến thành lọc trứng.

Trái với những gì bạn nghĩ, cơ sở chính của Trung tâm Murcia là để... nuôi trồng thức ăn cho đàn cá ngừ vây xanh con. Cá ngừ trưởng thành ăn những con cá trích hay cá thu, nhưng cá ngừ non thì ăn phù du được chính các nhà khoa học tại IEO nuôi lớn, bên cạnh đó họ còn phải nuôi cả tảo để phục vụ lũ phù du kia. Khi cá ngừ vây xanh lớn thêm chút, chúng sẽ ăn các loài cá non khác, những con cá cũng được nuôi tại cơ sở này.

Mất 3 năm để một con cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương đạt kích tối thiểu để có thể đưa ra thị trường bán được, mức 40 kilogram.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF, tổ chức Ocean Wise và cả chương trình SeaChoice của Công viên thủy sinh Vịnh Monterey đều phản đối việc ăn cá ngừ vây xanh, dù là cá được nuôi theo hình thức nào, bởi lượng cá nhỏ cần để nuôi lớn chỗ cá ngừ này. Trong một số trường hợp, người nuôi cần tới 40 kilogram cá trích, cá thu để tạo ra được 1 kilogram cá ngừ. Ngành nuôi trồng thủy sản cần rất nhiều cá nhỏ để nuôi cá to, và đó là lý do khiến lượng cá nhỏ cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Trong phóng sự Bluefin hồi năm 2016, người ta chỉ ra rằng cá ngừ hoang dã cùng nhiều loài cá ngoài ngoài khơi Canada đang thiếu thức ăn do người ta đánh bắt cá nhỏ để nuôi cá lớn quá nhiều.

Để có thể cân đối được lượng cá ra và vào, IEO lên kế hoạch sản xuất thức ăn cho cá trộn giữa cá và thực vật. Đã có những người đi trước trong lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu tại Mexico đã và đang dùng thứ thực phẩm tổng hợp này để nuôi cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương.

Nhưng có điều là cách thức nuôi cá này sẽ không là gì trong mắt của những con người sành ăn, những người biết là vị thịt cá ngừ sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc nó ăn cái gì. Vào mùa sinh sản của cá là tháng Năm và tháng Sáu, khi cá ngừ Đại Tây Dương tràn vào biển Địa Trung Hải, đầu bếp hàng đầu Paco Garcia chuẩn bị những đĩa cá ngừ vây xanh thượng hạng tại nhà hàng Ponzano. Anh Garcia không mua cá ngừ vây xanh được nuôi đây, anh nói với phóng viên Motherboard như thế, trong lúc hai người đang cùng ăn đĩa cá ngừ trị giá 60 euro.

"Tôi thích ăn cá ngừ tự nhiên hơn", anh nói. "Thức ăn mà lũ cá này hấp thụ tốt hơn hẳn".

Đĩa cá ngừ đắt đỏ với hương vị đặc trưng có thể sẽ khiến cho những thực khách sành ăn thỏa mãn. Nhưng với những người ngày đêm lo lắng cho số phận của hệ sinh thái cá ngoài biển, thì đĩa cá hảo hạng của những loài đang bị đe dọa nào cũng như nhau: đều tanh mùi máu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất