Các nhà khoa học Mỹ nuôi được "bộ não mini" sống tới 9 tháng trong ống nghiệm

Bạn không cần phải lo lắng, bởi chúng chưa hề có ý thức.

Một nhóm các nhà sinh vật học đến từ Đại học Tufts, Hoa Kỳ tuyên bố họ có thể tạo ra những bộ não mini sống tới 9 tháng trong ống nghiệm, chỉ từ tơ lụa, một hỗn hợp protein và các tế bào gốc.

Để có cái nhìn rõ ràng và trung thực nhất, các bộ não này mới chỉ là các khối tế bào thần kinh được kết nối với nhau. Chúng có thể hoạt động tự phát, nhưng hoàn toàn chưa có ý thức.

Ở thời điểm này, các bộ não nhân tạo được tạo ra không nhằm thay thế não người thật, mà chỉ để làm mô hình nghiên cứu cho các nhà khoa học. Các bộ não sinh trưởng trong ống nghiệm này sẽ tiết lộ nhiều điều liên quan đến bệnh Alzheimer, Parkinson và các chấn thương sọ não.


Tại thời điểm này, bộ não được tạo ra nhằm mục đích nghiên cứu khoa học. (Ảnh minh họa).

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học và Vật liệu Sinh học của Hiệp hội Hóa học Mỹ, trong đó, các nhà khoa học trình bày một phương pháp kéo dài tuổi thọ của những bộ não nhân tạo lên tới 9 tháng.

Kỹ thuật sử dụng hỗn hợp protein, tơ lụa và tế bào gốc của những bệnh nhân mắc Alzheimer và Parkinson. Trước đây, những bộ não nhân tạo trong ống nghiệm thường có tuổi thọ ngắn, chưa đủ để quan sát sự tiến triển của các bệnh thần kinh theo thời gian.

Vì vậy, David L. Kaplan, một giáo sư kỹ thuật y sinh tại Đại học Tufts, cùng nhóm nghiên cứu của mình đã tìm cách tinh chỉnh môi trường ống nghiệm, giúp những bộ não sống lâu hơn và phát triển được nhiều loại tế bào thần kinh đa dạng.

Ông tạo ra các giàn giáo làm từ vật chất kết hợp giữa tơ và collagen. Vật chất này cải thiện môi trường trong ống nghiệm để các tế bào gốc phát triển tự nhiên nhất, có các dấu di truyền và tín hiệu điện giống các tế bào não thực trong cơ thể người.

Trên thực tế, Đại học Tufts đã dành hơn 5 năm để triển khai các dự án não bộ nhân tạo. Các bộ não mini được họ tạo ra đều nhắm đến mục đích nghiên cứu thần kinh.

Năm 2013, nhóm nghiên cứu tại Đại học Tuffs từng công bố nghiên cứu đột phá, biến tế bào gốc da người thành một bộ não mini tương tự với não của một thai nhi 9 tuần tuổi.


Ảnh chụp bên trong bộ não mini của các nhà khoa học Đại học Tufts.

Có thể thấy rằng, công nghệ tế bào gốc đã và đang mở ra cho các nhà khoa học rất nhiều hướng nghiên cứu. Từ một số ít tế bào gốc, các khoa học trên thế giới đã phát triển thành công nhiều bộ phận trên cơ thể con người, chẳng hạn như da, võng mạc, mạch máu, tinh hoàn và thậm chí cả âm đạo trong ống nghiệm.

Mục đích của các bộ phận nhân tạo này là để cấy ghép cho bệnh nhân, điều trị hoặc sửa chữa các thương tật của họ. Ví dụ, một người đàn ông nếu bị mất cả hai tinh hoàn trong tai nạn xe hơi có thể được ghép tinh hoàn mới từ chính các tế bào gốc của mình, cho phép anh lấy lại khả năng sinh sản.

Nhưng khi nói tới não bộ nhân tạo, các nhà khoa học thường rất thận trọng . Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng có phát triển ý thức hay không? Nếu một bộ não được làm ra trong ống nghiệm đủ hoàn chỉnh, với các tế bào và chức năng hoàn hảo, nó có thể suy nghĩ, có thể hình thành ký ức mặc dù không được kết nối với các giác quan.

Khi đó, việc thực hiện các thử nghiệm khoa học trên bộ não nhân tạo có thể được coi là vô đạo đức, bởi chúng cũng là một thứ gì đó đang sống.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất