Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện "tia sáng sự sống" ở sao Hỏa
Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra cách mà sự sống ở sao Hỏa có thể đã ra đời song song với sự sống trên Trái đất.
Được sinh ra giữa "vùng sự sống" Goldilocks của Hệ Mặt trời cùng với sao Kim và Trái đất, cũng sở hữu đại dương và một số điều kiện sống... nhưng sao Hỏa vẫn luôn gây hoài nghi vì dường như thiếu đi các yếu tố để "khởi động" thế giới sinh vật.
Giờ đây, nhóm nghiên cứu từ Đại học Tohoku (Nhật Bản) đã tìm ra thứ mà họ gọi là "tia sáng sự sống", theo Sci-Tech Daily.
Sao Hỏa thuở sơ khai có thể đã sinh ra vật liệu ban đầu cho sự sống ngay trong bầu khí quyển. - (Ảnh: SCITECH DAILY).
Để làm điều đó, các nhà khoa học đã sử dụng các mô hình máy tính dựa trên dữ liệu có sẵn về sao Hỏa để điều tra xem liệu điều kiện khí quyển ban đầu của hành tinh có thể thúc đẩy sự hình thành các hợp chất hữu cơ hay không.
Viết trong bài công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports, họ cho biết ngày nay, tuy sao Hỏa khô và cực lạnh nhưng nó đã có một quá khứ "thân thiện" vào khoảng 3,8 - 3,6 tỉ năm trước. Khi đó, sao Hỏa có khí hậu ôn hòa, được duy trì nhờ đặc tính nóng lên của các loại khí như hydro. Đó cũng là lúc hành tinh này có nước, chứa đựng trong các sông, hồ, đại dương mà NASA đã tìm ra dấu vết.
Các thử nghiệm mô hình cho thấy trong điều kiện đó, bầu khí quyển giảm hydro, carbon dioxide và carbon monoxide có thể sản xuất ra formaldehyde. Đó là một hợp chất hữu cơ đơn giản, đóng vai trò quan trọng như tiền chất cho sự hình thành phân tử sinh học quan trọng như axit amin và đường.
Các mô phỏng mới cho thấy bầu khí quyển sao Hỏa cổ đại này tạo ra formaldehyde với một lượng lớn, liên tục trong hai thời kỳ địa chất sớm của hành tinh.
Như vậy, có thể sao Hỏa đã tự sở hữu các khối xây dựng sự sống cơ bản nhờ chính các phản ứng kỳ diệu trong bầu khí quyển của mình.
Nghiên cứu không chỉ cung cấp bằng chứng về khả năng tồn tại sự sống trên sao Hỏa cổ đại, mà còn cung cấp một cách thức để sự sống có thể ra đời trên một hành tinh sinh ra trong vùng Goldilocks của các hệ sao.
Ngoài ra, có một lý thuyết được chấp nhận rộng rãi khác về nguồn gốc sự sống: Do các tiểu hành tinh và sao chổi chứa sẵn vật liệu hữu cơ mang đến.
Dù bằng cách nào đi nữa, điều này cho thấy sự sống trong vũ trụ có thể có nhiều cách thức để sinh ra. Và, gần như chắc chắn chúng ta không cô đơn trong vũ trụ.
- Môi trường sao Hỏa sơ khai không thích hợp cho sự sống
- Sulfur dioxide giúp duy trì dòng chảy trên sao Hỏa
- Sao Hỏa có sự sống 3,7 tỉ năm, là loài đáng sợ với người Trái đất