Các nhà khoa học Pháp lên kế hoạch nuôi cá vược trên Mặt trăng

Các nhà nghiên cứu Pháp đang kiểm tra khả năng tồn tại và phát triển ngoài không gian của cá vược, lựa chọn tiềm năng để nuôi ở căn cứ Mặt trăng.

Tổng cộng 200 quả trứng cá vược được đặt trong module và sẵn sàng để phóng. Đội chuyên viên trên mặt đất đã cẩn thận đếm và kiểm tra mỗi quả, sau đó niêm phong kỹ bên trong đĩa cong đổ nước biển đầy tới miệng. Sau thời gian đếm ngược, tên lửa khai hỏa. Trong 2 phút, những quả trứng quý giá trải qua rung lắc mạnh khi động cơ tên lửa kích hoạt, tiếp đó là 8 phút bay vọt lên cao. Số phôi cá này được đưa lên quỹ đạo thấp của Trái đất và mục tiêu tiếp theo là Mặt trăng.


Cá vược châu Âu có thể chịu những rung lắc mạnh trong quá trình phóng tên lửa. (Ảnh: Our Marine Species).

Thực tế, đây là một mô phỏng được thiết kế để tái tạo chấn động thường gặp khi tên lửa cất cánh. Các nhà nghiên cứu Pháp nhận thấy những quả trứng vẫn sống sót sau hành trình. Đó là phát hiện quan trọng trong Lunar Hatch, dự án nhằm xác định các phi hành gia có thể nuôi thành công cá ở căn cứ Mặt trăng trong tương lai hay không.

Cyrille Przybyla, nhà nghiên cứu nuôi trồng thủy sản ở Viện Nghiên cứu Khám phá biển Pháp, trưởng nhóm chuyên gia, hy vọng có thể thiết kế trang trại nuôi cá trên Mặt trăng, sử dụng nước có sẵn nhằm nuôi sống cư dân ở ngôi làng Mặt trăng mà Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dự kiến thành lập. Dự án Lunar Hatch chỉ là một trong khoảng 300 ý tưởng ESA đang đánh giá, có thể được lựa chọn cho nhiệm vụ cuối cùng. Przybyla mong muốn cung cấp cho các cư dân Mặt trăng thức ăn tươi ngon giàu protein thay vì những túi thực phẩm khô đông lạnh. Ông đề xuất vận chuyển trứng thay vì cá sống bởi trứng và phôi thai đều rất khỏe.

Thí nghiệm gần đây của Przybyla cho thấy ông đã đúng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy không phải mọi loài cá đều thích hợp để đưa vào vũ trụ. Để bắt đầu tìm kiếm loại cá phù hợp nuôi trên Mặt trăng, Przybyla và đồng nghiệp lọc danh sách gồm hàng trăm loài xuống còn vài chục. Đó đều là những loài cần ít oxy, thải ít carbon dioxide, thời gian nở ngắn, có khả năng kháng hạt tích điện, do các dạng sống sẽ tiếp xúc với bức xạ trong du hành không gian. Sau đó, họ quyết định tìm hiểu trứng của hai loài là cá vược châu Âu và cá khế.

Ban đầu, cốc thí nghiệm chứa trứng bị xóc nhẹ bằng thiết bị chuyên dụng gọi là máy lắc. Những quả trứng vượt qua kiểm tra đầu tiên. Sau đó, chúng tiếp xúc với rung động mạnh hơn nhiều đến từ loại máy khác. Các rung động xuất hiện theo chuỗi đặc biệt mô phỏng quá trình phóng tên lửa Soyuz của Nga. Nhóm nghiên cứu cho rằng không có chuyến bay vũ trụ nào gây ra rung lắc mạnh hơn thế. Sau thử nghiệm rung lắc, 76% trứng cá vược nở, kết quả không quá chênh lệch so với tỷ lệ thành công là 82% ở tập mẫu không bị rung lắc. So với cá vược, trứng cá khế còn cho kết quả tốt hơn, 95% số trứng bị rung lắc nở so với tỷ lệ 92% ở tập mẫu.

Przybyla cho rằng sau khi tiến hóa khả năng chống chịu những điều kiện bất lợi trong môi trường dưới nước như dòng hải lưu mạnh, sóng to, va chạm với bề mặt cứng, trứng cá tự nhiên sẵn sàng để bay vào vũ trụ. Ngoài giá trị dinh dưỡng, việc nuôi cá còn mang lại nhiều lợi ích khác cho phi hành gia. Luke Roberson, nhà nghiên cứu ở Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA tại Florida, cũng đồng quan điểm. Những hệ thống sản xuất thức ăn tự cung tự cấp ngoài Trái đất đóng vai trò quan trọng đối với chương trình khám phá vũ trụ trong tương lai. Theo Roberson, nghiên cứu của Przybyla là bước tiến lớn đầu tiên cho thấy nuôi trồng thủy sản khả thi trong vũ trụ.

Roberson cũng cho rằng cá vược là lựa chọn thú vị bởi loài cá này có khả năng chịu nhiều độ mặn khác nhau, giúp việc chăn nuôi trở nên dễ dàng hơn trong điều kiện nguồn nước hạn chế trên Mặt trăng. Tuy nhiên, có thể tồn tại lựa chọn phù hợp hơn. Roberson và đồng nghiệp gần đây cân nhắc lợi thế và bất lợi của nhiều loài động vật trong nuôi trồng thủy sản. Những động vật không xương sống như trai và tôm có thể phát triển tốt hơn cá vược do đòi hỏi ít diện tích và cung cấp lượng calo cao hơn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất