Các nhà khoa học tạo ra loại kính tự "chữa lành"

Nhóm các nhà khoa học vật liệu Israel và Mỹ đã vô tình phát hiện cách tạo ra một loại kính mới có khả năng tự lắp ráp và phục hồi.

Theo đó, nhóm các nhà khoa học từ Đại học Tel Aviv và Đại học Ben-Gurion (cùng ở Israel) làm việc với đồng nghiệp tại Viện Công nghệ California (Mỹ) phát hiện khi trộn một loại peptit (chuỗi axit amin giúp tổng hợp các loại protein) với nước sẽ tạo ra một loại kính mới.

Khi tìm hiểu đặc tính của loại kính mới này, họ phát hiện nó có khả năng tự lắp ráp, cùng với khả năng tự phục hồi và kết dính dù rất cứng.

Các nhà khoa học nói có thể dùng loại kính mới để tạo ra các tấm kính và lớp phủ trong sản xuất các bề mặt ưa nước, hoặc tạo ra các vật dụng đòi hỏi độ chính xác cao như thấu kính quang học.

Một điểm cộng nữa của loại kính này là không cần nhiều năng lượng để sản xuất như hầu hết các loại kính hiện đang được dùng trong thương mại.


Kính được tạo ra khi trộn một loại peptit nhất định với nước - (Ảnh: Nature).


Kính peptit bị nứt và tự phục hồi - (Ảnh: Nature).

Nhóm nghiên cứu cho biết các thử nghiệm bổ sung có thể giúp tìm ra thêm nhiều ứng dụng khác của loại kính mới này.

Nghiên cứu được đăng trên Nature Communications.

Khám phá tình cờ

Theo trang phys.org ngày 13-6, các nhà nghiên cứu tìm thấy "công thức" chế tạo loại kính mới hết sức tình cờ. Khi ấy họ đang nghiên cứu khả năng dùng các peptit ngắn làm chất thay thế cho các thành phần thông thường của các đại phân tử.

Khi nghiên cứu một phân tử đipeptit có 2 gốc phenylalanine, họ vô tình phát hiện việc trộn nó với nước sẽ tạo ra một loại thủy tinh siêu phân tử vô định hình và có khả năng tự lắp ráp khi nước bay hơi ở nhiệt độ phòng.

Điều đáng ngạc nhiên nhất là quá trình tự lắp ráp peptit trong các nghiên cứu trước đây dẫn đến việc tạo ra các vật liệu có cấu trúc tinh thể - một thứ không trong suốt và do đó không thể giống với thủy tinh.

Nhưng "thành phẩm" trong nghiên cứu mới nhất lại trong suốt giống kính truyền thống.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất