Các nước trên thế giới hướng dẫn người dân ăn uống lành mạnh như thế nào?

Bạn thường lựa chọn thức ăn trên cơ sở nào? Chọn theo thói quen, cảm xúc hay lựa ngẫu nhiên một số món trong các quyển sách nấu ăn đầy màu sắc và hình ảnh?

Để giúp người dân có định hướng tốt hơn trong việc lựa chọn thực phẩm và tạo ra những thế hệ tương lai khỏe mạnh hơn, mỗi quốc gia đều xây dựng một bảng hướng dẫn thực phẩm, hay còn gọi là hướng dẫn dinh dưỡng phù hợp với đất nước mình. Dưới đây là tổng hợp hướng dẫn dinh dưỡng của 100 quốc gia trên thế giới của CBC Canada, dựa trên nguồn tin và hình ảnh từ Quỹ lương nông Liên Hiệp Quốc (UN FAO) cùng các cơ quan phụ trách dinh dưỡng/sức khỏe ở mỗi nước.

Mỗi hướng dẫn dinh dưỡng của mỗi nước đều bao gồm nhiều thông tin chi tiết. Về cơ bản tất cả giống nhau ở một số thông điệp lành mạnh:

Hầu hết cũng thống nhất với nhau rằng, ăn nhiều rau củ và ngũ cốc nguyên cám là tốt nhất, và nên tránh tiêu thụ đường cùng quá nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo đã qua chế biến.

Điểm khác biệt là sự sáng tạo của mỗi quốc gia trong cách thiết kế thực đơn sức khỏe cho dân chúng của mình.

Các cẩm nang hình ngôi nhà

Hướng dẫn của Campuchia có hình dạng đền Angkor Wat, một trong những di tích tôn giáo lớn nhất thế giới. Để thực hiện hướng dẫn này, Bộ Sức khỏe Campuchia đã khảo sát học sinh về các thực phẩm chúng thường ăn nhất.


(Ảnh: UN FAO)

Hướng dẫn của Benin (một quốc gia ở Tây Phi) là một ngôi nhà truyền thống hình tròn với mái lợp ở trên cùng. Ngay lối vào là một chai nước vì hai lý do: biểu tượng cho sự hiếu khách của Benin và lời nhắc nhở rằng chúng ta nên uống nhiều nước trong cả ngày.


(Ảnh: UN FAO)

Ngôi chùa của Trung Quốc thể hiện năm cấp thực phẩm truyền thống cho thấy nên ăn bao nhiêu thức ăn cho mỗi nhóm.


(Ảnh: UN FAO) 

Hướng dẫn mang hình ảnh thực phẩm bản địa


(Ảnh: UN FAO)


(Ảnh: UN FAO)

Thể dục hàng ngày trong các hướng dẫn

Trong 100 hướng dẫn có thông tin trên website UN FAO, chỉ có 12 hướng dẫn không nhắc đến hoạt động thể chất. Và có ba hướng dẫn thể hiện rất rõ ràng tầm quan trọng của việc vận động.

Hình ảnh người đi xe đạp là một minh họa rất rõ ràng cho vấn đề này trong hướng dẫn dinh dưỡng của Hàn Quốc.


(Ảnh: UN FAO)

Hướng dẫn của Pháp được thiết kế thành nhiều bậc thang, trong đó có một bậc là thể dục.


(Ảnh: UN FAO)

Hướng dẫn của Nhật Bản có hình con quay, đồ chơi truyền thống của đất nước này. Để thể hiện sự cần thiết của việc hoạt động thể chất đầy đủ, hướng dẫn dùng hình ảnh một người chạy quanh một ly nước.


(Ảnh: UN FAO)

Các quốc gia có trên hai hướng dẫn dinh dưỡng

Một số quốc gia có đến hai hoặc nhiều hơn nữa các phiên bản hướng dẫn thực phẩm khác nhau dành cho những đối tượng khác nhau.

Đầu tiên là Canada. Được công bố lần đầu tiên năm 1942, hướng dẫn của Canada phiên bản năm 2007 gồm 2 bản tiếng Anh, Pháp và 10 ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Hoa, Ả rập và Punjabi. Ngoài ra còn có một phiên bản đặc biệt dành cho các tộc người Inuit, First Nations và Métis, những cư dân bản địa trước khi người da trắng đến khám phá châu Mỹ.


(Ảnh: Health Canada) 

Phiên bản hướng dẫn dinh dưỡng mới nhất của Canada được công bố chính thức ngày 22/01/2019 vừa qua đã thu hút sự chú ý của báo giới nước ngoài vì những thay đổi lớn trong các nhóm thực phẩm. Các loại ngũ cốc nguyên cám, rau củ quả, đạm thực vật được chú trọng, còn thịt và sữa không còn là các nhóm chính mà chỉ còn là những thực phẩm có đạm. Chế độ ăn mới dành cho các tộc bản địa Inuit, First Nations và Métis vẫn đang được nghiên cứu.


(Ảnh: Health Canada)

Thứ hai là Venezuela cũng có hai hướng dẫn cho số đông và cho người bản địa. Khác biệt chính là các nguồn đạm (protein) được khuyến khích: người bản địa lấy đạm từ nhiều loại động vật hoang dã, còn đạm cho số đông là các phần thịt ở các vị trí khác nhau (cuts of meat hay meat cut) trên bò, heo... .


(Ảnh: UN FAO) 

Thứ ba là Bỉ, có hai bản cho số đông dân chúng nói tiếng Pháp và người Flemish. Tam giác thực phẩm Flemish tập trung vào các loại thực phẩm mà họ nên ăn thỉnh thoảng và thường xuyên. Nổi bật nhất trong hướng dẫn của Bỉ là vòng tròn đỏ bên phải chỉ các loại thực phẩm nên ăn càng ít càng tốt. Nhóm này không chỉ gồm thực phẩm rác như kẹo ngọt, đồ chiên, rượu mà còn có cả những loại mà nhiều người xem là nguồn đạm tốt, ví dụ các loại thịt đã chế biến như thịt muối, thịt các bộ phận đông lạnh.


(Ảnh: Flemish Institute for Healthy Living)

Những hướng dẫn dinh dưỡng nổi tiếng nhất

Có một hướng dẫn đã trở nên nổi tiếng tại nước mình nhờ đi theo xu hướng thẩm mỹ đơn giản mà thực dụng, đi thẳng vào vấn đề. Đó là hướng dẫn dinh dưỡng của Thụy Điển.


(Ảnh: UN FAO)

Có hai hướng dẫn tập trung vào việc nên ăn thường xuyên đến mức nào thay vì nên ăn bao nhiêu.

Tây Ban Nha và Hy Lạp chia kim tự tháp thành các nhóm tiêu thụ hàng ngày, hàng tuần và thỉnh thoảng.


Chế độ ăn được khuyến nghị cho người Tây Ban Nha (trái) và Hy Lạp (phải). (Ảnh: UN FAO)

Hướng dẫn dinh dưỡng thu hút được nhiều lời khen nhất là phiên bản của Brazil. Bản này nổi bật nhất trong mắt các nhà dinh dưỡng và các khoa học gia thực phẩm nhờ cách tiếp cận sáng tạo của nó. Thay cho một hình ảnh sặc sỡ những gì bạn nên ăn nhiều hơn hay ít hơn là những hướng dẫn về việc ăn thực phẩm chế biến hay chưa qua chế biến, lựa chọn thực phẩm dựa trên tính bền vững ở các góc độ môi trường và xã hội.


Một trang trong sách hướng dẫn dinh dưỡng của Brazil. (Ảnh: UN FAO)

Không phải người Brazil nào cũng có khả năng đọc hiểu trọn vẹn một cẩm nang hơn trăm trang giấy. Họ cần một tài liệu ngắn gọn có tính khả thi và thực tiễn cao hơn về mặt truyền tải thông điệp dinh dưỡng. Do vậy, ngoài sách hướng dẫn chi tiết lên tới 152 trang, chính phủ Brazil còn ban hành thêm một kế hoạch ngắn gọn gồm 10 bước như trong phim hoạt hình dưới đây.


Phim hoạt hình 10 bước thực hiện dinh dưỡng lành mạnh của Brazil.

1. Chọn các thực phẩm tự nhiên hoặc thực phẩm ít chế biến làm nền tảng cho chế độ ăn của bạn.

2. Khi nấu ăn và nêm nếm, hãy dùng dầu, chất béo, muối và đường với lượng ít.

3. Giới hạn tiêu thụ thực phẩm đã qua chế biến.

4. Tránh tiêu dùng thực phẩm siêu chế biến (ultra-processed foods).

5. Ăn điều độ và chậm rãi trong các môi trường thích hợp và ăn chung bất cứ khi nào có thể.

6. Mua sắm ở những nơi có nhiều loại thực phẩm tự nhiên hoặc thực phẩm ít chế biến.

7. Nuôi dưỡng, thực hành và chia sẻ kỹ năng nấu nướng.

8. Lên kế hoạch biến thức ăn và ăn uống trở thành một phần quan trọng trong đời bạn.

9. Nếu ăn ở ngoài, hãy ưu tiên những nơi phục vụ bữa ăn vừa chế biến.

10. Cẩn trọng trước các chiêu tiếp thị và quảng cáo thực phẩm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất