Các vua Nguyễn giải quyết ngập lụt ở đồng bằng Bắc Bộ ra sao?
Là vùng đất thấp được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng, đồng bằng Bắc Bộ xưa hay xảy ra lụt lội. Để trị thủy khu vực này, các vua Nguyễn đều quan tâm đến việc đắp, tu bổ đê điều.
Dưới triều Nguyễn, Bắc Thành (1) nhiều lần bị lũ lụt nhấn chìm trong biển nước. Trước tình hình đó, các vua nhà Nguyễn rất đau xót, tìm nguyên nhân, đưa ra các biện pháp để trị thủy như: đắp đê, đặt ra cơ quan, chức quan chuyên quản việc đê điều, ban bố các điều lệ về đê chính…
Phát triển hệ thống đê điều, ứng phó kịp thời với mưa lũ
Theo chính sử Đại Nam thực lục, Vua Gia Long khi vừa mới lên ngôi đã lo đến việc tu bổ các đê cũ và đắp thêm các đê mới. Năm Gia Long thứ 2 (1803), vua cho đắp đê Nhị Hà và 7 đoạn khác ở Bắc Bộ. Năm Gia Long thứ 8 (1809), vua cho đắp đê ở Sơn Nam (vùng Kim Động và Gia Lâm) hết khoảng 87.000 quan tiền.
Cũng trong năm này, vua lại cho đặt ra chức Bắc Thành đê chánh và các chức Tổng lý, Tham lý đê chánh để lo vấn đề đê điều, gồm tu bổ đê cũ, đắp thêm đê mới ở các trấn xứ Bắc Kỳ.
Vua cũng định lệ tháng 10 hàng năm các quan phủ huyện trấn phải lần lượt đến khám đê và quan đê chánh khám lại để chuẩn bị cho mùa lũ. Những đê nào cần phải sửa thì phải xét xem mức độ lớn hay nhỏ rồi mới trình lên, tổ chức tu sửa và có kiểm tra nghiệm thu.
Đến thời vua Minh Mạng, công việc đê điều trị thủy tiếp tục được đẩy mạnh. Năm Minh Mạng thứ 8 (1828), theo đề nghị của các quan, vua cho tăng cường thêm nhân sự cho Nha môn Đê chánh. Tuy nhiên, năm Minh Mạng thứ 13 (1833) vua lại cho bãi bỏ Nha này và chuyển việc đê điều sang cho các Đốc biện ở các tỉnh.
Theo sách Đại Nam Hội điển sự lệ, nhờ vua Minh Mạng quan tâm việc đê điều, nên hệ thống đê tại miền Bắc ngày càng phát triển. Năm 1833, chiều dài hệ thống đê đo được 333.616 trượng (khoảng 1.300 km, so với năm 1809 là 906 km).
Bên cạnh việc phát triển hệ thống đê điều, vua Minh Mạng còn quan tâm tới việc ứng phó kịp thời với mưa lũ. Ông yêu cầu các quan lại địa phương phải nhanh chóng huy động sức người kịp thời khi xảy ra mưa lớn, vỡ đê, ngập lụt.
Theo Châu bản triều Nguyễn tập 33, tờ 18-19 (công bố trong sách Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội do tiến sĩ Đào Thị Diến chủ biên), tháng 9 năm Minh Mạng 10, ngay khi nghe tin báo nước lũ dâng cao ở Bắc Thành, Phó tổng trấn Bắc Thành là Phan Văn Thúy đã phái ngay Thống quản Thập cơ Tiền quân Đặng Hữu Chất đem 500 quân ở các quân đến đê Kim Quan (Thạch Thất).
Đồng thời sức gấp cho các trấn thần Sơn Nam, Sơn Tây, Bắc Ninh sức cho các viên ở các phủ huyện sở tại đem quân dân cấp tốc đến các chỗ đê xung yếu dốc sức phòng hộ. Lại lần lượt phái Thống quản Tả quân Trần Văn Lộc, đem 500 quân đến các đoạn đê cũ và mới tại các xã thuộc huyện Từ Liêm trấn Sơn Tây. Lại phái Vệ uý Đinh Mậu Phong đem gấp 300 quân đến các đê điều ở các xã thuộc huyện Thanh Oai. Hết thảy gắng sức kè giữ các đoạn đê xung yếu để khỏi lo ngại.
Trận lụt lịch sử năm 1926. (Ảnh biển nước đe dọa Hà nội mùa lũ năm 1926).
Thưởng phạt phân minh
Cùng những chính sách quản lý đê, ứng phó với mưa lũ, vua Minh Mạng còn có những chính sách xử phạt phân minh liên quan đến việc tu sửa đắp đê phòng lũ.
Theo sách Đại Nam hội điển sự lệ, năm Minh Mạng thứ 9 (1829), do không hoàn thành đúng hạn việc đắp đê ở xã Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên), lại thêm việc sửa chữa đê Kim Quan sai quy thức, hụt 6-7 thước, vua đã giáng chuyên biện Lê Đại Cương 3 cấp, tham biện Nguyễn Văn Khoa, bang biện Hoàng Quỳnh và Lê Thuận Tỉnh đều giáng 2 cấp cho lưu dung; các viên trấn, phủ, huyện, thừa biện giáng 1 cấp cho lưu dung.
Cũng theo Đại Nam hội điển sự lệ, năm Minh Mạng thứ 10 (1830), thấy biền binh làm việc đê Kim Quan ngày đêm sửa đắp khó nhọc, vua ra lệnh thưởng cho suất đội làm việc 1 tháng tiền lương, còn biền bình mỗi tên được thưởng 1 quan tiền.
Không chỉ quan tâm đến việc bảo vệ và phòng vệ đê, vua Minh Mạng còn rất quan tâm đến cuộc sống của nhân dân vùng đê bị lũ. Trong một số Châu bản công bố trong sách Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội, vua đã yêu cầu quan lại địa phương kiểm tra, quan tâm đến đời sống của nhân dân bị trong vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và đê điều bị vỡ, chẩn cấp giải quyết những nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân, mọi việc liên quan đều phải báo cáo vua rõ ràng, cặn kẽ.
Chẳng hạn như Châu bản triều Minh Mạng, tập 43, tờ 120-121 cho biết năm Minh Mạng thứ 10 (1830), đê huyện Thượng Phúc (Thanh Trì) bị vỡ, vua yêu cầu quan lại địa phương “đến đoạn đê ấy xem xét thế nước, tính toán phái binh dân gắng sức bồi đắp và đem tình hình nhân dân, súc vật, mùa màng thiệt hại ra sao tâu báo để Trẫm biết”.
Hay Châu bản triều Minh Mạng, tập 57, tờ 215 cho biết năm Minh Mạng 18 (1837) khi đê Sơn Tây bị vỡ, vua yêu cầu cắt cử Thị vệ kiểm tra, trong đó nêu rõ: “Trừ việc phát hồng bản sẽ dùng ngựa phi báo riêng, nay phụng chọn cử một viên Thị vệ theo trạm dịch đến tỉnh ấy khám nghiệm đích xác nơi đê vỡ. Trước mắt giải quyết công việc ra sao? Ruộng vườn, nhà cửa của dân có tránh khỏi ngập lụt hay không và việc chẩn cấp như thế nào, cốt sao nắm bắt cặn kẽ để phúc trình”.
Trận lụt lịch sử năm 1926. (Ảnh đoạn đê phía hạ lưu Hà Nội).
Trưng cầu ý kiến về việc phòng đê ở Bắc Kỳ
Dưới thời vua Tự Đức, việc đắp đê và khám xét đê được triều đình quy định một cách tỉ mỉ; Việc thưởng phạt về phòng hộ đê và phân định trách nhiệm của các phủ huyện, tổng, lý sở tại các nơi đê vỡ cũng được xác định lại.
Vấn đề ngập lụt được giải quyết bằng cách thực hiện quân bình của thủy chế, lịch triều, ngoài việc đắp đê, cũng chủ trương đào sông để nối liền các hệ thống sông lớn với nhau. Công việc này được giao phó cho các quan địa phương, với nhân công được cung cấp bởi dân chúng các miền.
Mặc dù, triều Nguyễn rất quan tâm tới việc đắp và bảo vệ đê điều nhưng việc này vẫn không được giải quyết triệt để như mong đợi.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Anh (sách Kinh tế và Xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn), các đê không được đắp vững vàng, thành cứ vỡ luôn; nhất là con sông Nhị (sông Hồng), vì đất bồi nên lòng sông giữa hai con đê cao hơn mực đất, mỗi khi nước lớn, đê không tài nào chống lại sức nước được. Trước tình hình này, triều đình đã phân vân trong 3 cách: Giữ đê, phá đê và đào thêm sông.
Ngay từ thời Minh Mạng, nhà vua đã nhiều lần lấy ý kiến quần thần về việc này, khi thì hỏi quan địa phương, lúc lại hỏi đình thần nhưng người thì bàn phá đê, người lại chủ trương đào sông mới, ý kiến bất đồng quá nhiều tới nỗi thời 2 vua Thiệu Trị và Tự Đức phải treo bảng khắp nơi để trưng cầu dân ý.
Năm 1852, vua Tự Đức lại tiếp tục mở cuộc trưng cầu ý kiến về việc phòng đê ở Bắc Kỳ, các ý kiến lại một lần nữa chia thành 2 phái: Giữ đê và bỏ đê. Nhóm chủ trương cứ đắp đê các sông lớn, bỏ đê sông con và sông nhỏ có Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Soạn, Nguyễn Văn Tĩnh, Nguyễn Cẩm, Bạch Tự Cường... Nhóm chủ trương giữ đê có Đặng Văn Hòa, Trương Văn Uyển, Ngụy Khắc Tuần, Nguyễn Khắc Hoan, Nguyễn Văn Siêu, Bùi Quỹ...
Đến năm 1872, các tỉnh Bắc Kỳ đều điều trần về việc đê điều nhưng vẫn tiếp tục có ý kiến khác nhau. Những bài điều trần này đã được đóng thành từng tập dày như Đê chính tập hay Đê chính tân luận. Song vì sở kiến bất đồng kéo dài nên triều đình vẫn phải giữ đê mà đê vẫn tiếp tục vỡ.
Riêng dưới triều Tự Đức, hai huyện Văn Giang và Tiên Lữ thuộc Phủ Khoái Châu (Hưng Yên) 18 năm liền đê bị vỡ và ngập lụt, đến nỗi dân đói khát phải bỏ làng mà đi kiếm ăn nơi khác, ruộng bỏ hoang, sậy mọc cao như rừng.
1. Bắc Thành là một đơn vị hành chính cấp cao do vua Gia Long đặt ra năm 1802. Đơn vị này quản lý 11 trấn (tương đương cấp tỉnh ngày nay), tính từ khu vực Ninh Bình trở lên phía Bắc. Đến năm 1831, vua Minh Mạng bãi bỏ đơn vị này.
- Với phần lớn diện tích đất nước thấp hơn mực nước biển, người Hà Lan đã tạo ra hệ thống đê biển vĩ đại nhất hành tinh
- Tồn tại hơn 600 năm, vì sao Tử Cấm Thành chưa bao giờ bị ngập úng?
- Đập chống lụt giúp người đàn ông bình an vô sự khi cả thị trấn chìm trong biển nước