Các yếu tố gây đột quỵ trong mùa lạnh
Nhiệt độ thấp khiến huyết áp cao đột ngột, tăng độ cô đặc máu, giảm oxy lên não, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
BS.CKI Vũ Văn Nam, khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đột quỵ có xu hướng gia tăng khi thời tiết lạnh, nhất là ở người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Đột quỵ thường xảy ra vào nửa đêm và sáng sớm do nhiệt độ giảm hơn so với các thời điểm khác.
Bác sĩ Nam chỉ ra một số nguyên nhân khi thời tiết trở lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ dưới đây.
Co mạch và tăng huyết áp đột ngột: Khi nhiệt độ thấp, cơ thể phản ứng bằng cách co mạch máu ngoại vi (mạch máu mang máu từ tim đến cơ quan ở xa tim) để giữ ấm, tập trung máu vào các cơ quan quan trọng, dẫn tới huyết áp tăng gây áp lực lớn lên hệ tuần hoàn. Huyết áp cao cũng tạo áp lực lên mạch máu gây vỡ - yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ xuất huyết não. Trời lạnh còn kích thích hệ thần kinh giao cảm, tăng tiết các hormone như adrenalin, làm co mạch, tăng nhịp tim, tạo gánh nặng cho hệ tim mạch, nhất là người có tiền sử bệnh tim hoặc tăng huyết áp.
Tăng độ cô đặc máu: Trời lạnh, máu đặc và nhớt hơn để giữ nhiệt cho cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong mạch máu. Các cục máu đông khiến dòng máu lên não bị nghẽn dẫn đến đột quỵ thiếu máu cục bộ.
Nhịp tim tăng cao: Khi trời chuyển lạnh, cơ thể cần sản sinh thêm nhiệt để giữ ấm, kéo theo nhịp tim tăng để bơm máu nhanh hơn nhằm duy trì nhiệt độ cơ thể. Nhịp tim cao làm tăng gánh nặng lên tim, dễ dẫn đến rối loạn nhịp tim hoặc các biến cố tim mạch khác liên quan đến đột quỵ. Với người mắc bệnh tim mạch, tim làm việc quá sức trong thời gian dài dễ gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Người Hà Nội trong giá rét tháng 1/2024. (Ảnh minh họa: Giang Huy).
Giảm oxy lên não: Không khí khô do thời tiết lạnh sẽ giảm hiệu quả trao đổi oxy trong phổi. Khi não không được cung cấp đủ oxy, nguy cơ đột quỵ tăng. Người mắc bệnh phổi hoặc tim mạch mạn tính có nguy cơ cao hơn.
Thói quen không lành mạnh: Mùa đông trời thường sáng muộn và tối sớm dễ dẫn đến rối loạn nhịp sinh học do thiếu ánh sáng mặt trời. Mọi người có xu hướng giảm hoạt động thể chất, thay đổi giấc ngủ ảnh hưởng đến huyết áp và quá trình trao đổi chất, gián tiếp tăng nguy cơ đột quỵ. Bác sĩ Nam cho biết ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, muối dễ làm tăng huyết áp, béo phì - hai yếu tố nguy cơ lớn gây đột quỵ.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, xảy ra đột ngột, có tỷ lệ tử vong và biến chứng tàn phế cao. Để giảm nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh, bác sĩ Nam khuyến cáo mọi người giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu cổ, mặc đủ ấm, đeo khăn quàng cổ, găng tay khi ra ngoài. Theo dõi huyết áp thường xuyên, nhất là người cao tuổi hoặc có tiền sử bệnh lý huyết áp, tiểu đường, mỡ máu.
Ăn uống khoa học (hạn chế rượu bia, đồ dầu mỡ, thức ăn nhanh...), tăng cường tập thể dục trong nhà khoảng 30 phút mỗi ngày. Uống đủ nước dù không cảm thấy khát bởi cơ thể cần đủ nước để duy trì lưu thông máu tốt. Tầm soát đột quỵ vào mùa lạnh giúp bảo vệ sức khỏe, chủ động phòng ngừa.
Người bệnh xuất hiện các triệu chứng như yếu tay chân, tê bì tay chân, khó nói, méo miệng, chóng mặt đột ngột, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế điều trị đột quỵ gần nhất để được chẩn đoán, chữa bệnh kịp thời. Thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ là trước 4,5 giờ kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng. Người bệnh được cấp cứu sớm, hiệu quả điều trị cao.
- 10 loại đột biến gen phổ biến nhất ở người
- Những người "lột xác" sau khi bị đột quỵ
- Dấu hiệu không ngờ cảnh báo căn bệnh 5 phút giết 300 người