Cách bay ngược đời của muỗi khiến chúng trở nên cực kỳ đáng sợ

Đây là điều khoa học mới tìm ra về loài muỗi. Chúng có một cách bay rất kỳ lạ, và điều đó giúp chúng tồn tại trong hàng triệu năm.

Về cơ bản, muỗi là một loài vật biết bay, nhưng cách bay lượn của chúng rất kỳ lạ nếu so với các loài động vật khác. Lấy ví dụ như chim sẻ và ruồi giấm, chúng sẽ bay bằng cách giậm nhảy, tiến vào không trung rồi mới vỗ cánh.

Cách bay của muỗi thì ngược lại. Chúng vỗ cánh trong vòng 30 mili giây rồi mới nhảy lên. Tốc độ vỗ cánh của chúng cũng cực nhanh - lên tới 800 lần/s, nhiều gấp 4 lần so với các loài côn trùng thông thường.

Trên thực tế, đây là một kiểu bay được đánh giá là không hiệu quả, vì đòi hỏi chúng phải vỗ cánh quá nhiều. "Tại sao chúng lại bay theo cách đó?" - đây là câu hỏi Florian Muijres, nhà sinh học cơ khí tại ĐH Wageningen (Hà Lan) đặt ra. Và ông cũng đã tự mình tìm ra câu trả lời: muỗi đã phải tiến hóa để có được kiểu bay ấy, nhằm giúp chúng tránh bị phát hiện sau khi hút no máu.


Một con muỗi hút no máu, rồi vỗ cánh bay đi.

Cụ thể, Muijres và các cộng sự đã nghiên cứu cách loài muỗi Culex (cùng họ với muỗi vằn) "cất cánh" sau khi đã hút no máu. Về cơ bản, chỉ muỗi cái mới hút máu vì chúng cần đẻ trứng. Nhưng sau khi kết thúc bữa ăn, muỗi cái đã tăng từ 2 - 3 lần so với trọng lượng vốn có. Quan trọng hơn, chúng vẫn cần trốn thoát.

"Nếu so với con người, thì cũng giống như bạn cầm theo một cái ba lô nặng gần 100kg trên lưng" - Muijres đưa ra so sánh. "Rồi bạn vẫn phải bay, và rõ ràng đó là một quá trình rất tốn năng lượng".


Về cơ bản, chỉ muỗi cái mới hút máu vì chúng cần đẻ trứng.

Lúc này, muỗi không thể bay giống các loài côn trùng bình thường được, vì nếu cất cánh bằng cách giậm nhảy, chúng sẽ tạo ra áp lực đủ để đánh động vật chủ. Mà chắc bạn cũng biết mình sẽ làm gì khi nhìn thấy muỗi rồi đúng không? Vậy nên, chúng buộc phải bay theo cái cách tốn sức, nhưng an toàn kia.

Kết quả, lực tạo ra trên da con mồi sẽ rất nhẹ nhàng, giúp chúng "lỉnh đi" với một cái bụng no tròn đầy máu.

Để có được thành quả này, các chuyên gia phải đặt một máy quay tốc độ cao, có thể thu tới 30.000 fps (khung hình/s). Máy quay này cho phép họ thu tới 20 ảnh cho mỗi lần vỗ cánh, qua đó tính toán được lực muỗi tạo ra khi bay.

Được biết, các chuyên gia phải dùng người thật để làm mồi cho muỗi, và người này là Sophia Chang từ ĐH California, Berkeley. Nguyên do là vì muỗi sẽ tấn công nhanh hơn nếu mồi là con người.


Muỗi sẽ tấn công nhanh hơn nếu mồi là con người.

"Có vẻ như loài muỗi đã tìm ra cách cất cánh giảm được rất nhiều áp lực, để tránh bị con người phát hiện ra" - Muijres cho biết. "Điều này cho phép chúng tăng tỉ lệ sống sót sau khi hút máu".

Có vẻ như đây cũng là một phần lý do vì sao các dịch bệnh do muỗi lại lây lan rất nhanh. Đơn giản là vì muỗi sinh sôi rất mạnh, và chúng ta khó lòng phát hiện được ra chúng ngay cả khi bị tấn công.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất