Cách biến phế phẩm cá thành nhựa sinh học

Các nhà khoa học Canada phát triển thành công một loại nhựa thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng dầu có nguồn gốc từ phế phẩm cá.

Ô nhiễm đã trở thành vấn đề toàn cầu. Rác thải nhựa ngày nay có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ những đỉnh núi băng giá đến rãnh đại dương sâu nhất thế giới, gây ra áp lực ngày càng lớn lên hệ sinh thái. Bên cạnh đó, sản xuất nhựa còn là ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, dầu thô và hóa chất độc hại.


Phế phẩm cá có thể được sử dụng để sản xuất nhựa sinh học. (Ảnh: Mikhailey Wheeler).

Để tạo ra một loại nhựa sạch và "xanh" hơn, nhóm nghiên cứu từ Đại học Memorial of Newfoundland của Canada, do Giáo sư hóa học Francesca Kerton dẫn đầu, đã tìm đến các ngư dân và nhà máy chế biến cá.

Từ các phế phẩm như đầu, xương, vảy, da và ruột cá bị vứt bỏ trong quá trình chế biến, Kerton cùng các cộng sự đã tìm ra cách để chiết xuất dầu không bão hòa, sau đó thêm oxy để tạo ra tiền chất epoxit. Cuối cùng, bằng cách sử dụng carbon dioxide làm tác nhân phản ứng, các nhà khoa học đã liên kết thành công epoxit với các amin chứa nitơ để tạo ra một vật liệu có đặc tính giống như polyurethane hay nhựa PU.

Vật liệu mới chắc chắn nhưng dễ uốn. Nó không yêu cầu sử dụng dầu thô hay khí độc và quan trọng nhất là có thể tự phân hủy sinh học mà không bốc mùi.

"Khi chúng tôi bắt đầu quy trình với dầu cá, mùi tanh của cá vẫn thoang thoảng, nhưng khi thực hiện qua các bước tiếp theo, mùi đó sẽ biến mất", Kerton nhấn mạnh.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh quy trình sản xuất, hoán đổi các amin thành các axit amin, giúp đơn giản hóa quá trình hóa học liên quan.

Kerton cho biết đang tìm cách làm cho vật liệu mới phân hủy sinh học dễ dàng hơn, cũng như bắt đầu kiểm tra các đặc tính vật lý và xem xét ứng dụng tiềm năng của vật liệu này. Công trình nghiên cứu của nhóm dự kiến được trình bày trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Hóa học Mỹ vào ngày 8/4.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất