Cách cực đơn giản để chống stress chỉ "nhờ" smartphone
Điện thoại chính là một trong những tác nhân gây stress nhiều nhất trong cuộc sống của chúng ta.
Khi nhìn thấy điện thoại nháy đèn, hoặc rung lên trong túi, chúng ta đã bị xao nhãng một chút rồi. Bạn có thể chọn cầm lấy điện thoại để kiểm tra, hoặc cố gắng tập trung vào công việc. Tuy nhiên, sự thực đau lòng là phần lớn chúng ta sẽ cần khoảng 25 phút để tập trung trở lại.
Thế nên, việc đặt một chiếc điện thoại cạnh mình là phương thức hoàn hảo để có một ngày làm việc... cực kỳ kém hiệu quả. Và khi bạn chẳng làm được gì ra hồn trong cả một ngày, sự căng thẳng sẽ tăng lên, dồn nén và gây hậu quả nghiêm trọng.
Khi nhìn thấy điện thoại nháy đèn, hoặc rung lên trong túi, chúng ta đã bị xao nhãng rồi.
Vậy phải chăng, chúng ta chỉ cần đơn giản là tắt điện thoại đi? Nhưng rất tiếc việc này lại phản tác dụng vì tâm lý của bạn sẽ cảm thấy lo lắng hơn bình thường rất nhiều khi không có "dế yêu" bên cạnh.
Đó là kết luận của Nick Fitz - nhà nghiên cứu từ ĐH Duke (Mỹ) khi công bố công trình mới tại hội nghị của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ. Và ngoài ra, ông còn đưa ra giải pháp cực kỳ tuyệt vời nữa mà ai cũng có thể làm được.
Nhưng trước tiên, hãy xem nghiên cứu của ông có gì!
Chúng ta đang nhận quá nhiều thông báo trong ngày
Các nghiên cứu trước kia chỉ ra rằng một người bình thường trung bình nhận được khoảng 65 - 80 thông báo từ smartphone mỗi ngày, thậm chí là nhiều hơn thế.
Nhận thấy vấn đề này, Fitz đã thử làm một thí nghiệm. Trong vòng 2 tuần, quá trình dùng smartphone của 3 nhóm người sẽ được ghi lại. Một nhóm sẽ chỉnh điện thoại cập nhật thông báo qua từng giờ; một nhóm chỉ có 3 khung giờ để nhận thông báo: 9h sáng, 3h chiều và 9h tối; nhóm cuối cùng chặn hoàn toàn thông báo trên điện thoại.
Tắt thông báo đi không có tác dụng gì.
Trong khoảng thời gian chưa cập nhật, người dùng có thể dùng điện thoại nhưng sẽ không nhận được bất kỳ thông báo nào. Ngay cả khi có điện thoại, dù tín hiệu vẫn có, nhưng màn hình sẽ không hiện thông báo "cuộc gọi nhỡ".
Kết quả thì sao nhỉ? Không ngoài mong đợi, nhóm nhận được thông báo mỗi giờ chia sẻ rằng họ cảm thấy mệt mỏi, phiền nhiễu, và làm việc kém hiệu quả.
Nhưng ấn tượng hơn, ngay cả việc tắt hoàn toàn thông báo đi cũng phản tác dụng. Theo đó, nhóm tắt thông báo dường như tìm cách kiểm tra điện thoại một cách có chủ đích, vì sợ rằng họ sẽ bỏ lỡ những thông báo quan trọng.
Theo Fitz, nếu như điện thoại có cơ chế cho phép email của sếp hoặc những tin quan trọng xuất hiện, có thể tâm trạng của họ sẽ khác. Tuy nhiên trong thí nghiệm của ông, nhóm được cập nhật thông báo vào 3 khung giờ trong ngày là được hưởng lợi nhất. Họ cảm thấy thoải mái hơn, làm việc hiệu quả hơn, và sức tập trung cao hơn hẳn.
"Tắt thông báo đi không có tác dụng gì. Chúng ta nên đón nhận chúng theo cách thông minh hơn".
Cách tối ưu nhất để bớt căng thẳng từ điện thoại là giảm thời lượng nhận thông báo lại
Theo Fitz, thay vì loại bỏ hoàn toàn thông báo, việc tối ưu hơn cả là xác định khoảng thời gian chúng ta nên nhận chúng.
"Sẽ tốt hơn nếu các thông báo đến đúng thời điểm" - Fitz cho biết.
Nên tạo ra một cơ chế cho phép những thông tin đặc biệt quan trọng có thể qua được.
Đồng thời, Fitz cho rằng nên tạo ra một cơ chế cho phép những thông tin đặc biệt quan trọng có thể qua được. Ví dụ, cơ chế cho phép email vượt qua, nhưng thông báo từ Facebook thì bị chặn, hoặc chỉ được cập nhật ở một số khung giờ nhất định chẳng hạn.
Điều khiến Fitz ngạc nhiên nhất, ấy là rõ ràng thông báo từ điện thoại chỉ chiếm một phần trong số các tác nhân gây stress. Thế nhưng, việc loại bỏ được tác hại của nó lại khiến tâm trạng của chúng ta nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
"Nó thực sự có tác dụng".
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của Fitz mang tên Synapse đang xây dựng một ứng dụng cho phép điều chỉnh lại các thông báo từ điện thoại. Ứng dụng mang tên Daywise và sẽ được công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên, tin buồn là nó chỉ hoạt động trên các máy chạy Android mà thôi, vì việc kiểm soát thông báo từ iOS phức tạp hơn nhiều.