Cách giữ mạng sống của người đàn ông mang nhóm máu "quý hơn vàng"

Sở hữu nhóm máu hiếm, Thomas buộc phải tự bảo vệ bản thân mình từ khi còn nhỏ bởi nếu có tai nạn xảy ra, sẽ khó lòng tìm thấy người hiến máu cho anh.

46 năm trước, năm 1974, một cậu bé người Thụy Sĩ (sinh năm 1963) được đưa đến một bệnh viện ở Geneva để điều trị nhiễm trùng. Đây là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em.

Khi các bác sĩ lấy máu xét nghiệm, họ phát hiện ra rằng, đứa trẻ mang trong mình dòng máu hiếm đến nỗi sống sót cũng là điều khó khăn, huống chi là khỏe mạnh.

Cậu bé trong câu chuyện ấy là Thomas. Anh là một trong số 43 người khác trên thế giới mang trong mình dòng máu hiếm: Rh-null.

Nhóm máu Rh-null - đặc quyền đi liền với hiểm nguy

Khó có thể tin vào những gì đang nhìn thấy, bác sĩ Marie-José Stelling, lúc đó là Trưởng phòng thí nghiệm huyết học và miễn dịch tại Bệnh viện Đại học Geneva, đã gửi mẫu máu của Thomas đến Amsterdam, Paris để phân tích. Kết quả cho thấy cậu bé mang trong mình dòng máu Rh-null. Và ngay lập tức, từng giọt máu của Thomas trở nên quý giá đối với y học và khoa học.

Rh-null được gọi là máu "vàng" vì hai lý do. Thứ nhất, nó mang giá trị khoa học lớn có thể giúp các nhà nghiên cứu giải mã bí ẩn xung quanh vai trò sinh lý học của hệ máu Rh phức tạp.

Thứ hai và cũng là quan trọng nhất, nhóm máu này có thể truyền cho bất kỳ ai trong hệ máu Rh. Do đó, tiềm năng cứu sống người của nó rất lớn. Tuy nhiên, bởi vì nó quá hiếm và gần như không thể thay thế nên Rh-null chỉ được truyền cho những ca bệnh hiểm nghèo nhất.


Dòng "máu vàng" của Thomas có thể truyền cho bất kỳ ai cùng trong hệ Rh. (Ảnh: Twitter).

Đi liền với “đặc quyền” nói trên là khả năng sống sót của những người mang nhóm máu Rh-null. Bởi rất hiếm người có chung dòng máu nên khi cần, họ rất khó tìm kiếm được nó trong ngân hàng máu. Nếu họ tiếp máu của người nào chứa 1 trong số 61 kháng nguyên Rh mà họ không có, ngay lập tức sẽ gây hiện tượng không tương thích tế bào máu, nguy hiểm đến mức tử vong.

Chính vì sự quý hiếm đó, các nhà nghiên cứu huyết học ở Geneva xét nghiệm máu những thành viên còn lại trong gia đình Thomas với hy vọng tìm thêm được nguồn máu quý hiếm. Nhưng kết quả cho thấy, duy chỉ cho cậu bé này sở hữu dòng máu vàng.

Khi Thomas 18 tuổi, anh được khuyên nên hiến máu để tích trữ cho chính mình. Thời điểm đó, không có ngân hàng máu đông lạnh ở Thụy Sĩ nên máu của Thomas phải được lưu trữ ở Paris và Amsterdam.

Sở hữu dòng máu hiếm, niềm hạnh phúc của Thomas là cứu người. Vài năm sau lần hiến máu kể trên, anh nhận được một cuộc gọi từ số lạ và được đưa đến ngân hàng máu Geneva. Đó là lần đầu tiên máu của anh mang lại sự sống cho người khác - một bé sơ sinh. Sự kiện này cũng đánh dấu quá trình hiến máu cứu người của Thomas.

Những lần khác anh là ở Tây Âu rồi Pháp hay một số quốc gia châu Âu. Rất nhiều trong số đó không tài trợ chi phí đi lại cho Thomas nhưng người đàn ông này đều rất sẵn lòng.


Thomas hiến máu cứu người mà không đòi hỏi quyền lợi. (Ảnh: Shutter Stock).

Mang trong mình dòng máu quý, Thomas cũng phải rất cẩn trọng để bảo vệ mạng sống của mình. Khi còn nhỏ, anh không được đi trại hè vì cha mẹ sợ sẽ gặp tai nạn.

Trưởng thành, Thomas cũng luôn cần các biện pháp phòng ngừa như lái xe cẩn trọng, không đi du lịch đến những nơi không có bệnh viện đủ điều kiện vật chất. Anh cũng được miễn nhập ngũ.

Trong ví của Thomas luôn có chiếc thẻ xác nhận nhóm máu Rh-null từ Phòng thí nhiệm miễn dịch và huyết học quốc gia Pháp phòng trường hợp anh phải nhập viện.

Những lần hiến máu cứu người khiến Thomas đối mặt thêm với tình trạng thiếu máu nhẹ. Chính vì thế, một năm anh chỉ được hiến máu 2 lần để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Các bác sĩ cũng khuyên Thomas không nên có con.

Năm 1994, khi Atlantic thực hiện bài viết về Thomas, anh bày tỏ bản thân hài lòng với hiện tại. Người đàn ông này không gặp phải chứng máu khó đông, với anh đó là một điều may mắn. Anh cũng vui mừng vì dòng máu đặc biệt cứu giúp được nhiều người.

Cơ chế hình thành nhóm máu hiếm nhất thế giới

Các tế bào hồng cầu mang oxy đến tất cả tế bào và mô trong cơ thể. Nếu chúng ta mất nhiều máu trong phẫu thuật hoặc tai nạn, chúng ta cần bổ sung lượng máu đã mất đi. Do đó, hàng trăm triệu người phải nhờ đến ngân hàng máu trên khắp thế giới trong những trường hợp nguy cấp này.

Sẽ thật đơn giản nếu tất cả chúng ta đều có cùng huyết thống. Nhưng điều đó lại không xảy ra. Trên bề mặt của mỗi một tế bào hồng cầu có tới 342 phân tử kháng nguyên có khả năng kích hoạt việc sản xuất các protein chuyên biệt gọi là kháng thể. Chính sự hiện diện hay vắng mặt của các kháng nguyên đặc biệt quyết định nhóm máu của ai đó.

Gần 160 loại kháng nguyên được xem là thông thường - chúng được tìm thấy trong hồng cầu của phần lớn con người trên Trái Đất. Nếu ai đó thiếu một kháng nguyên mà 99% những người còn lại có, thì nhóm máu của họ được coi là hiếm. Nếu ai đó thiếu một kháng nguyên mà 99,99% dân số Trái Đất có, thì dòng máu ấy được coi là cực hiếm.


Nhóm máu Rh-null được coi là nhóm máu "quý hơn vàng" bởi trên thế giới chỉ 43 người có. (Ảnh: Theplanettoday).

Có 35 hệ thống nhóm máu, được tổ chức theo các gene mang thông tin để tạo ra các kháng nguyên trong mỗi hệ thống. Trong đó Rh là hệ lớn nhất với 61 kháng nguyên. Không hiếm người thiếu những kháng nguyên này.

Điển hình như 15% người Caucasia bị thiếu kháng nguyên D - loại kháng nguyên quan trọng nhất của Rh, khiến họ mang nhóm máu RhD âm. Ngược lại, nhóm máu Rh âm lại ít gặp ở người châu Á (chỉ 0,3% dân số). Nhưng Thomas thiếu tất cả kháng nguyên Rh hay còn gọi là Rh-null.

Nhóm máu Rh-null được mô tả lần đầu tiên vào năm 1961, ở một phụ nữ thổ dân Australia. Cho đến trước năm đó, các bác sĩ đã từng cho rằng phôi thai thiếu tất cả kháng nguyên tế bào máu Rh sẽ không thể tồn tại, hay phát triển thành một người trưởng thành. Từ năm 1961-2010, gần 5 thập kỷ sau đó, trên thế giới mới tìm ra 43 người sở hữu nhóm máu Rh-null.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất